Ngẫu hứng như... đặt tên đường phố

Các loại đặc sản Nam Bộ tiêu biểu dù ngon và có tiếng nhưng khi dùng để đặt tên đường thì không phù hợp cảm thức thẩm mỹ, dễ gây hiệu ứng ngược.

Ở TP HCM có nhiều tên đường không tuân thủ nguyên tắc, quy định nào. Ảnh: TẤN THẠNH - ÁNH NGUYỆT

Ở TP HCM có nhiều tên đường không tuân thủ nguyên tắc, quy định nào. Ảnh: TẤN THẠNH - ÁNH NGUYỆT.

Trong tờ trình vừa gửi HĐND TP HCM về tiêu chí để chọn tên, đưa vào quỹ tên đường tại TP, UBND TP HCM có đề xuất bổ sung một tiêu chí vào nguyên tắc chung về việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng là “tên các loại hoa, các loại đặc sản tiêu biểu của Nam Bộ”. Tờ trình cho biết xuất phát từ thực tế công tác đặt tên đường tại TP, Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường đã đề nghị bổ sung thêm tiêu chí này.

Đặt tên đường theo nguyên tắc nào?

Ở các TP lớn như TP HCM và Hà Nội đang tồn tại tình trạng tên đường trùng lắp, sử dụng tên tùy thích, vô lối... Vậy nguyên tắc đặt tên đường, phố ra sao?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đặt tên đường ở các địa phương trước nay dựa theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Nguyên tắc đặt, đổi tên đường của TP HCM cũng cơ bản tuân thủ Nghị định 91/2005/NĐ-CP và một số quy định khác, như Quy chế hoạt động của Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường; Kết luận số 541- TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM...

Một số nguyên tắc chủ yếu bao gồm: Ưu tiên chọn sự kiện lịch sử - văn hóa, địa danh nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, danh nhân và nhân vật lịch sử tiêu biểu, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, những người có công đối với đất nước, gắn bó với sự phát triển của TP và khu vực Nam Bộ... để đặt tên đường và công trình công cộng; nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi, như: tên húy, tên hiệu, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường và công trình công cộng (trừ một số trường hợp đặc biệt sẽ do HĐND TP xem xét quyết định); nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đưa vào quỹ tên đường và công trình công cộng; chỉ sử dụng tên của những người đã mất và chỉ sử dụng tên trong quỹ tên đường đã được HĐND TP thông qua...

Như vậy, những nguyên tắc, tiêu chí đặt tên đường khá rõ và chỉn chu. Nếu thực hiện đúng những nguyên tắc này thì đã không có chuyện xuất hiện những tên đường không giống ai, như: đường Cựu chiến binh không rác (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn); đường Kênh 19/5, đường Bờ Bao Tân Thắng (quậnTân Phú); đường Vào Chùa Khánh An, đường Vào Chợ An Sương (quận 12), đường Vào Trường cấp I, II Bình Chánh (huyện Bình Chánh), đường Bên hông Trường Mầm non (quận Tân Bình)...

Hà Nội: Khoảng 200 tên đường bị trùng

Tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, cho biết cũng vì thực hiện không đúng quy định mà ở thủ đô có thực trạng nổi cộm là chuyện trùng tên đường. Tên đường phố Hà Nội cũ hầu hết do lịch sử để lại. Nay mở rộng Hà Nội ra các khu lận cận đã khiến nhiều tên đường bị trùng. Theo thống kê, sau khi mở rộng, Hà Nội có khoảng 200 tên đường trùng nhau.

Theo bà Thùy, việc đổi tên đường là cả một vấn đề vì quỹ tên đường đã được sử dụng gần như tối đa để phục vụ việc phát triển thủ đô. Hơn nữa, đổi tên đường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao dịch, hành chính, gây tốn kém. Hiện các tên đường trùng nhau tại Hà Nội vẫn đang được giữ nguyên và khắc phục bằng việc ghi rõ quận, huyện (mới) trong các giao dịch hành chính thay vì chỉ ghi tên đường như trước.

Về việc xem xét lựa chọn các tên gọi mới bổ sung vào hệ thống đường phố thủ đô, bà Thùy cho biết Hà Nội đã có lần định đặt tên một con đường là “Sen Hồ Tây” nhưng HĐND TP và Ban Văn hóa - Xã hội đã thảo luận và không thông qua. “Hoa Sen hay Sen Hồ Tây tuy là danh từ chỉ loài hoa, cũng có ý nghĩa nhất định nhưng chung chung quá; hơn nữa, hoa sen cũng không phải chỉ có ở Hà Nội hay Hồ Tây, tên như thế là không đặc trưng” - bà Thùy nói.

Ở TP HCM có nhiều tên đường không tuân thủ nguyên tắc, quy định nào. Ảnh: TẤN THẠNH

Ở TP HCM có nhiều tên đường không tuân thủ nguyên tắc, quy định nào. Ảnh: TẤN THẠNH.

Dễ gây phản cảm

Việc TP HCM đề xuất lấy “tên các loại hoa, các loại đặc sản tiêu biểu của Nam Bộ” để đặt tên đường khiến dư luận băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH KHXH& NV TP HCM, cho rằng: “Lấy tên hoa đặt tên đường thì không phải là đề xuất mới. Ở quận Phú Nhuận đã có một số đường nhỏ đặt theo tên các loài hoa như đường Hoa Lan, đường Hoa Mai... Chọn tên hoa thì nên chọn tên đẹp và đặc trưng nhưng TP HCM hầu như không có loài hoa nào đặc trưng cả...”.

Về việc dùng các loại đặc sản của Nam Bộ để đặt tên, ông Hòa cho rằng đề xuất này không sai nhưng phải cân nhắc. “Hủ tiếu Mỹ Tho, bún nước lèo Sóc Trăng, xoài cát Hòa Lộc... là những đặc sản tiêu biểu của Nam Bộ nhưng chỉ nên đặt cho những đường nội bộ trong các khu dân cư. Dù vậy, cũng nên xem xét kỹ, có đáng phải làm như vậy không, trong khi chúng ta chưa khai thác hết quỹ tên đường, như tên các tỉnh, thành trong cả nước, các TP kết nghĩa ở nước ngoài...” - ông Hòa nêu.

Nhà văn - nhà văn hóa Nguyên Ngọc cho rằng đặt tên đường theo tên hoa thì được, ở Moscow (Nga) có nhiều con đường đặt tên các loài hoa đẹp; còn dùng tên các món đặc sản đặt tên đường thì hoàn toàn không nên.

“Cá lóc kho tộ chẳng hạn, là đặc sản tiêu biểu Nam Bộ đấy, ai cũng thích nhưng khi đem đặt tên cho một con đường thì rất buồn cười, có khi gây phản cảm. Ví như ở Đà Nẵng có nhân vật Mười Chấp rất hay, được nhiều người biết song khi lấy tên thật của ông là Nguyễn Thế Chấp để đặt tên đường thì nghe không ổn, nên đặt là Mười Chấp thì hay hơn. Trong văn hóa và ngôn ngữ luôn phải lưu ý đến tính chất thẩm mỹ, chuyện đặt tên đường cũng vậy...”.

Bình luận về đề xuất lấy tên những món đặc sản Nam Bộ đặt tên đường phố, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy, cho rằng: “Các món ăn đặc sản vùng miền tuy cũng là giá trị văn hóa, cũng bảo đảm tính đặc trưng nhưng lại không có tiền lệ, không có trong quy định chung, khi sử dụng cần cân nhắc...”.

Theo ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng là do HĐND các tỉnh, thành quyết định; trong trường hợp đặc biệt thì có thể nhờ bộ tư vấn nhưng từ trước đến nay chưa có trường hợp nào các địa phương phải nhờ đến bộ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại