TS. BS. Hoàng Xuân Ba - bác sĩ chuyên khoa nhi, huyết học và ung thư, tiến sĩ miễn dịch học. Ông Ba đã nhiều năm học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài (Nga, Mỹ, Anh), hiện nay vẫn đang làm việc tại Mỹ.
Ông tốt nghiệp bằng đỏ tại Học viện Nhi khoa thành phố Leningrad (nay gọi là St. Peterburg) và nhận học vị tiến sĩ tại Nga. Ông được cấp 2 bằng sáng chế về chuẩn đoán bệnh tự miễn và 2 bằng cải tiến kỹ thuật về miễn dịch và dị ứng tại Nga; được cấp 2 bằng sáng chế về y và dược quốc tế, 2 bằng sáng chế về bệnh tự miễn và ung thư tại Mỹ; được nhận học bổng của quỹ nghiên cứu dị ứng Pharmacia, Thụy Điển. Ông là người sáng lập trung tâm điều trị kết hợp bệnh nan y Get Well Natural, Hoa Kỳ. Hiện tại, ông phụ trách nghiên cứu miễn dịch của nhóm nghiên cứu về dị ứng tại Alameda-California Hoa kỳ.
Bác sĩ Hoàng Xuân Ba (bên trái) trong một lần về làm việc tại Việt Nam.
Ông Ba đã có những trao đổi rất tâm huyết với bạn đọc Báo Trí thức trẻ. Chúng tôi xin đăng phần giao lưu của TS, BS Hoàng Xuân Ba với bạn đọc trong buổi giao lưu "Hiến kế ngăn chặn suy giảm y đức".
- Thưa ông Hoàng Xuân Ba, là một người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, khi nghe những chuyện như tiêm nhầm vacxin cho trẻ sơ sinh hay cắt bớt vacxin tiêm cho trẻ em của các y bác sỹ Việt Nam, cảm xúc của ông như thế nào?
- Như tôi đã nói, khi nào xã hội cũng như các nhân viên ngành y không coi vấn đề chuyên môn là nền tảng của mọi hành động và chuẩn mực sống của họ thì những vấn đề như tiêm nhầm vacxin, cắt xén bớt vacxin, nhân bản xét nghiệm và còn nhiều vấn đề khác tồi tệ hơn thế nữa vẫn cứ xảy ra. Ở Mỹ, các vấn đề này cũng không phải không có, nhưng họ có cách để tránh dư luận và nhiều khi thực hiện nó ở một trình độ cao hơn làm cho khó bị phát hiện và khó nhìn thấy bằng con mắt thường.
Tôi nghĩ các tai biến và bệnh tật do vacxin, trong đó có tử vong do vacxin cũng như các thủ thuật y tế thuốc men trên thực tế không hề thấp hơn ở Việt Nam theo những số liệu mà chính các cơ quan y tế của họ đã công bố. Tóm lại, đây là việc làm đáng lên án và cần bị xử lý nghiêm minh của những nhân viên y tế tắc trách.
- Mặc dù Bộ Y tế Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về việc giảm tải tại các bệnh viện, tuy nhiên, nếu ông đã từng đi khám tại các bệnh viện nhà nước tại Việt Nam, ông sẽ phải chờ đợi rất lâu. Xem ra câu nói của nhiều người "càng chữa càng tắc" đang khá đúng. Theo ông, nguyên nhân do đâu? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý ở bệnh viện tại quốc gia Hoa kỳ?
- Số người bệnh, số nhân viên y tế, số cơ sở y tế với các trang thiết bị y tế, thuốc men để phục vụ bệnh nhân là những thông số để chúng ta có thể đưa vào phương trình nhằm tìm ra ẩn số đúng cho những vấn đề quá tải bệnh viện ở Việt Nam. Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của Việt Nam ở các thành phố lớn khỏi “ùn tắc”, tôi chỉ có một lời khuyên là chúng ta nên thương yêu, chăm sóc, cổ vũ và đầu tư nghiêm túc hơn cho những bệnh viện ở tuyến tỉnh, tuyến huyện để họ có cơ hội làm tốt công việc chuyên môn của mình, để bệnh nhân không hiểu lầm là “thần thánh” chỉ nằm ở các bệnh viện tuyến trên, đến đấy là “sống” và không đến đấy có nghĩa là hết hy vọng cứu chữa như rất nhiều người Việt Nam vẫn thường hiểu.
- Ông có thể chia sẻ về khoảnh khắc đậm tình người nhất ở bệnh viện Mỹ mà ông từng tận mắt chứng kiến?
- Đó là hình ảnh bác sĩ, giáo sư trưởng khoa ngồi xuống thay quần áo và đi tất giúp cho một người Mexico bị tai nạn được đưa vào bệnh viện mặc dù người này không có bảo hiểm và cũng không có đồng tiền nào trên người.
- Đã bao giờ nền y tế Mỹ rơi vào hoàn cảnh như Việt Nam, tức là y đức suy giảm trầm trọng? Ở Mỹ, nền y tế có những phương pháp nào để nâng cao y đức?
- Mặc dù có một sức mạnh về kinh tế lớn hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng nền y tế Mỹ lại không hề hoàn hảo và tồn tại những vấn đề mà chúng ta thường không biết đến. Chính vì để vấn đề tiền bạc và lợi nhuận lên hàng đầu, nhân viên y tế nhiều nơi ở Mỹ có lẽ không hề trong sáng và tốt đẹp như chúng ta tưởng. Ở đấy, vấn đề chỉ định xét nghiệm, chỉ định làm thủ thuật chuẩn đoán và điều trị cũng như kê đơn thuốc cho bệnh nhân chỉ vì lợi nhuận không phải là hiếm gặp, nhưng bù lại tiềm lực về kinh tế của họ quá mạnh nên các vấn đề này không nổi lên như ở Việt Nam - nơi mà bức xúc của con người được tập trung vào ngành y mặc dù các ngành khác cũng không hề tốt đẹp hơn .
- Ông có thể cho tôi biết, nếu ở Mỹ mà có nẩy sinh 1 sự việc tương tự vụ vacxin ở Quảng Trị, hay để quên dao trong bụng, chẩn đoán bệnh sai... người ta sẽ xử lý bác sĩ phụ trách như nào?
- Ở Mỹ, những việc như thế này có thể còn xảy ra nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng có điều đây là việc của các hãng bảo hiểm và của các luật sư. Họ sẽ dùng tiền để bồi thường cho những trường hợp này sau khi giữa các bên bị kiện và bên kiện tự thỏa thuận được với nhau hoặc nếu các bên không tự thỏa thuận được thì sẽ theo phán xét của tòa án.
- Ở Việt Nam, gần đây có rất nhiều vụ việc liên quan tới sự tắc trách của y bác sĩ dẫn tới bệnh nhân tử vong. Ông đánh giá thế nào về y đức của họ?
- Những tai biến về chuyên môn trong ngành y là hầu như bất khả kháng mặc dù các bác sĩ ở bệnh viện có thể đã làm hoàn toàn đúng theo quy tắc về chuyên môn. Chúng ta chỉ trách những người vô cảm, những người đã không làm hết sức và cố gắng hết sức để làm tốt nhất công tác điều trị cứu chữa người bệnh của họ. Nói như vậy, sự “tắc trách” dẫn đến bệnh nhân tử vong rõ ràng là ở đâu cũng đáng lên án, không chỉ riêng ở Việt Nam.
- Là một người từng đến nhiều nước có nền y học phát triển, ông nhận định như thế nào về bước tiến của nền y học Việt Nam hiện nay? Điều gì khiến ông băn khoăn, trăn trở về y học nước ta so với các nước khác?
- Điều tôi băn khoăn và lo ngại nhất là ngành y Việt Nam đang có khuynh hướng bước vào con đường sai lệch khi tiền và địa vị được đem ra làm thước đo chuẩn mực và mục đích phấn đấu của nhiều bác sĩ.
- Ông đã từng chứng kiến khám chữa bệnh ung thư của người dân tại bệnh viện VN chưa? Nếu có thì điều gì làm ông đau xót, bức xúc nhất?
Ở Việt Nam những người cần được chăm sóc và điều trị nhiều nhất khi họ bị ung thư là những người ở giai đoạn cuối. Họ thường bị cho về nhà mà không kèm theo những điều trị hỗ trợ để nhằm giúp giảm nhẹ triệu chứng, chống đau hay nâng cao chất lượng cuộc sống.