Ngành giáo dục tìm cách "cai nghiện" game cho học sinh

vytran |

Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo triển khai chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến (game online) đối với HSSV.

Ông Dương Văn Bá - Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GDĐT) khẳng định: Hiện nay tỷ lệ HSSV chơi game rất đông, khi được hỏi nhiều HSSV không ngần ngại trả lời một tuần chơi tới 6-8 lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ.

Không phủ nhận những mặt lợi của trò chơi trực tuyến nhưng rõ ràng ở Việt Nam, nó có nhiều tác hại hơn đối với thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là vì giới trẻ không tự kiềm chế được khi sa đà vào các trò chơi trực tuyến, đặc biệt là các game bạo lực. Đã có không ít phụ huynh “kêu trời” vì con nghiện game online, thậm chí đã có không ít trường hợp phải nhập viện do đột quỵ vì chơi game quá sức... Đã có không ít ông bố, bà mẹ hàng ngày phải đến từng cửa hàng game để tìm con, nhiều học sinh bỏ ăn, bỏ học, trốn nhà để chơi game, đến khi hết tiền thì tìm mọi cách xoay xở, thậm chí cả phạm tội để có tiền chơi tiếp.

Ông Dương Văn Bá cho biết: “Nói về hậu quả của game thì ngay cả Chính phủ cũng phải khẳng định là HSSV đánh nhau một phần xuất phát từ sự ảnh hưởng của chơi game. Hiện ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có không ít HSSV đang điều trị. Nhiều SV năm thứ nhất học giỏi, năm thứ hai bắt đầu chơi game, năm thứ ba thì bỏ học phải vào bệnh viện nằm điều trị…”.

Tại kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa XII, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM - đã đưa ra con số giật mình: Cả nước hiện có 20 triệu người chơi game, 20 ngàn đại lý Internet và game online chưa kể việc nối mạng ở các gia đình. Tại diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong số các trò chơi trên mạng Internet hiện nay, 77% là game bạo lực, 9% là cờ bạc...

Giáo viên biết game để giáo dục học sinh

Tháng 4.2011, Bộ GDĐT đã có Quyết định số 1387 ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV giai đoạn 2011-2015. Chương trình sẽ được triển khai trong năm học tới 2011-2012.

Nhưng để thực hiện được mục tiêu của chương trình như 100% cán bộ, giáo viên và HSSV nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% HSSV ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; 100% phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này; 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và HSSV liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến…. là điều không hề dễ dàng.

Đại diện Phòng Công tác HSSV của Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, muốn HSSV tự nguyện rời xa game thì nhà trường phải tăng cường hoạt động Đoàn – Đội, phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi và phải giáo dục kỹ năng sống cho HSSV. Trên thực tế, nhiều HS chưa biết từ chối cái xấu, thậm chí học theo cái xấu rất nhanh…

Theo Bộ GDĐT, các nhà trường có trách nhiệm quản lý HSSV trong giờ học, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu và cùng nhà trường quản lý HS để hạn chế những tác động xấu của game. Riêng giáo viên cần phải biết được game là như thế nào, nội dung của trò chơi ấy ra sao để giáo dục, định hướng cho HSSV; ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của những trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, khắc phục tình trạng HSSV sa sút đạo đức, thiếu tự tin, bỏ học…Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có sự chung tay, chung sức của cả nhà trường và gia đình, đặc biệt là gia đình, thì việc quản lý HSSV, giúp HSSV tránh được các game online có nội dung xấu vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Lao Động

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại