Ngang nhiên đào bới, phá thánh địa Mỹ Sơn

Lấy lý do kè chắn bảo vệ tháp Chăm Mỹ Sơn, chính những người trực tiếp quản lý khu quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn và chính quyền địa phương huyện Duy Xuyên ngang nhiên công khai đào bới ngay giữa lòng di sản từ nhiều tháng nay.

Đáng nói hơn, việc đào bới để bê tông suối cổ Khe Thẻ Mỹ Sơn diễn ra nhiều tháng nay nhưng cơ quan quản lý và chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn làm ngơ và không hề hay biết?!

Đổ tiền phá di sản?

Việc đào bới giữa lòng di sản Mỹ Sơn bị du khách đến tham quan Mỹ Sơn phát hiện và phản ứng gay gắt.

Lý giải cho việc đào bới dòng suối cổ Khe Thẻ ngay khu vực tháp Mỹ Sơn, Ông Trần Công Hường, trưởng Ban QL di tích Mỹ Sơn, cho biết dự án “kè chống sạt lở suối Khe Thẻ, bảo vệ các nhóm tháp B, C, D” được UBND huyện Duy Xuyên quyết định đầu tư, phê duyệt dự án tháng 1.2013 và giao cho Ban QL làm chủ đầu tư, Cty Phong Cách Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế, lập dự án.

Ngang nhiên đào bới, phá thánh địa Mỹ Sơn
Du khách phải ngang qua công trình bê tông hóa ngay trước các đền tháp.

Huyện đã giao cho Công ty Tân Chiêm Sơn trụ sở tại huyện Duy Xuyên thi công xây dựng đoạn kè chắn dài 120m từ 21.2 đến nay, với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng từ nguồn thu vé tham quan du lịch Mỹ Sơn.

Ngay sau khi nhận được Ban Quản lý Mỹ Sơn và UBND huyện Duy Xuyên cho phép, Công ty Tân Chiêm Sơn bắt đầu cho xe máy và nhân công đào bới đoạn suối cổ Khe Thẻ để kè chắn đổ bê tông giữa lòng di sản thế giới Mỹ Sơn.

Việc thi công đào bới kéo dài từ ngày 21.2 nhưng khi bị khách thăm quan phát hiện và phản ứng thì chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên mới tạm ngừng thi công.

Ngang nhiên đào bới, phá thánh địa Mỹ Sơn
Bê tông hóa suối Khe Thẻ giữa lòng di sản Mỹ Sơn.

Bê tông nằm giữa di sản

Mặc dù đơn vị thi công đã được lệnh ngừng và trả lại nguyên trạng nhưng vòng cung bê tông giữa di sản Mỹ Sơn vẫn hiển hiện trước mắt và ngăn lối đi của du khách đến tham quan di sản nổi tiếng này.

Màu đất đỏ cày xới như chiến trường nơi dòng suối Khe Thẻ ngổn ngang bê tông, gạch vữa, lòng suối tan hoang giữa đống đất đá nham nhở.

Ngay bên cây cầu nhỏ bắc qua suối Khe Thẻ là 2 mố cầu bê tông lừng lững Đoạn suối Khe Thẻ như một vòng cung bọc lấy các nhóm tháp B, C, D, đang mọc lên những đoạn kè chắn bê tông cả 2 bên bờ giống như gọng kìm kẹp chặt các khu đến tháp vào giữa.

Đập vào mắt du khách là khu bờ kè cao khoảng 1,2m, tạo nên dòng suối bê tông giống như cống thoát nước giữa đô thị rộng khoảng 5-7m. Gần 1.220m bờ kè bê tông dọc suối uốn lượn như quái vật bò ngang trước mặt các đền tháp Chăm-pa cổ kính.

Nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến Mỹ Sơn đều lắc đầu khi bước qua những đống đất đá ngổn ngang để vào di tích. “Tôi không hiểu cách trùng tu và bảo vệ di tích bằng bê tông mà tỉnh Quảng Nam đang làm tại Mỹ Sơn theo quy chuẩn nào?", một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm lắc đầu thở dài.

Ngang nhiên đào bới, phá thánh địa Mỹ Sơn
Hai du khách nước ngoài “nghiên cứu” bản đồ Mỹ Sơn sau khi bất ngờ thấy công trình bê tông hóa giữa lòng di sản.

Phớt lờ luật di sản

Cảnh ngang nhiên đào bới giữa lòng di sản Thế giới Mỹ Sơn đã bị du khách phản ánh lên cơ quan chức năng tỉnh. Ngay sau đó, vào ngày 1/4 vừa qua, tại cuộc họp khẩn của UBND Quảng Nam, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu dừng thi công kè tại Mỹ Sơn, phục hồi cảnh quan và lập thủ tục từ đầu để trình các cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định.

Ông Trần Công Hường, Trưởng Ban QL di tích Mỹ Sơn cho biết đơn vị thiết kế và thi công chỉ có chuyên môn về thủy lợi, kè sông suối và không hề có chức năng về trùng tu di sản.

Thế nhưng những đơn vị tư vấn, thiết kế và thi công “tay ngang” về trùng tu di sản lại được phép của cơ quan quản lý di tích Mỹ Sơn và chính quyền địa phương huyện Duy Xuyên chỉ định thầu thi công.

Điều đáng quan tâm là việc đào bới giữa lòng di sản Mỹ Sơn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và kéo dài nhiều tháng nay nhưng chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch vẫn không hề hay biết.

Ngang nhiên đào bới, phá thánh địa Mỹ Sơn
Cầu bắc qua suối Khe Thẻ đang bị bê tông hóa.

Đến khi du khách phản ứng và cấp báo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới giật mình và ra lệnh ngừng thi công. Đây là lỗ hổng trong quản lý di sản Thế giới mà Quảng Nam gần như bất lực hay không hiểu về Luật Di sản.

Cảnh đào bới giữa lòng di sản Mỹ Sơn gợi nhớ cách đây hơn 10 năm, tỉnh Quảng Nam cũng lập dự án trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân, Núi Thành) và giao cho một công ty xây dựng nhà trùng tu đã gần như phá nát di tích. Rất may sự việc được báo chí phát hiện.

Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Di sản Văn hóa năm 2009 có qui định: “Các khu vực bảo vệ phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ di tích phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại