Du khách nước ngoài khi tới Hà Nội đã rất “khâm phục” người Việt về sự liều lĩnh khi sang đường.
Suy cho cùng, đó là vì chúng ta đã và đang quá coi thường văn hoá giao thông!
Sau khi trở về Mỹ từ chuyến thăm Hà Nội, nhà báo Thomas Fuller của tờ New York Times đã có một bài viết mà những ai yêu Hà Nội nên biết. Câu chuyện xung quanh “những lời khuyên để sang đường ở Hà Nội” mà nhà báo cảm nhận được.
Du khách nước ngoài khi tới Hà Nội đã rất “khâm phục” người Việt về sự liều lĩnh khi sang đường
Những lời khuyên khiến những cư dân Hà Nội chắc chắn phải suy nghĩ (xin trích):
Quãng thời gian một thập kỷ tiến hành cải cách đã biến những đại lộ một thời yên tĩnh và có hai hàng cây ven đường thành những “dòng sông” làm từ cao su và thép (xe gắn máy). Khi các vị khách du lịch ra đường, họ thể hiện đủ mọi trạng thái cảm xúc - từ giật mình hoảng hốt cho đến kinh sợ.
Khi người nước ngoài sợ hãi thì người Hà Nội lại... không sợ chết. Trong con mắt người nước ngoài, cảnh những cô gái xinh đẹp này bá vai bá cổ vô tư qua đường (khi ngay trên đầu là cầu vượt cho người đi bộ) chính là hình ảnh khó coi nhất về văn hoá giao thông người Hà Nội.
Ngày đầu tiên chúng tôi thấy rất sợ hãi. Có những lúc mà chúng tôi không thể nào đi qua đường được. Hãy tưởng tượng như bạn đang đi trượt tuyết vậy. Những chiếc xe máy như những chiếc ván lướt trên đường phố.
Hãy tin vào Chúa hay người đã sinh ra bạn. Bạn phải quan sát xe máy như một người lính nhìn về phía kẻ thù. Đừng tỏ ra sợ hãi ngay cả khi đầu gối bạn đang run.
Nhìn chung, Hà Nội có đường dành cho người đi bộ khá tốt, nhưng nhiều chỗ đã bị biến thành bãi trông xe máy khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.
Phải hết sức tự tin và đi chậm rãi. Đừng bao giờ chạy. Đừng dùng dằng mà hãy khiến người khác đoán được bạn định đi thế nào.
Chính phủ Việt Nam vẫn chỉ dẫn cho những người thi lấy bằng lái xe là: “Xe máy phải nhường đường cho người đi bộ tại những chỗ có vạch băng qua đường”. Những điều đó chỉ là mơ ước mà thôi.
Trên thực tế thì các vạch trắng dành cho người đi bộ chỉ mang ý nghĩa trang trí là chính. Những luật lệ giao thông khác cũng bị coi thường mà dường như không bị phạt.
Ở một số ngã tư, đèn báo giao thông dường như chỉ có “tác dụng” làm lãng phí điện.
Ở các nước khác, khi đèn chuyển sang màu đỏ thì mọi người đều dừng lại. Nhưng ở đây, nếu không có cảnh sát giao thông thì họ sẽ vượt cả đèn đỏ.
Thường thì xe máy còn được dùng để chở hàng hóa, khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn hơn. Người lái xe máy có thể mất tập trung do họ phải cố gắng lấy thăng bằng khi chở những chiếc tivi, những thùng bia hay những túi đựng hoa giả.