Ông Mai Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường Hồ Chí Minh - Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật máy bay thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, nếu máy bay bị sét đánh thì hành khách vẫn sẽ an toàn.
Theo ông Mai Tuấn Anh, khi máy bay bị sét đánh, hành khách không bị ảnh hưởng gì ngoài giật mình bởi ánh chớp và tiếng động lớn. Nhưng gặp trường hợp như vậy rất hiếm, ngay cả đối với hành khách đi máy bay thường xuyên.
Ông Mai Tuấn Anh giải thích, máy bay cũng giống như cột thu lôi ở nhà mình, sét đánh vào mang theo 1 dòng điện cực khủng (đến 20.000 ampe) và dòng điện này lại phát tán ra khỏi máy bay ngay lập tức vì kết cấu vỏ máy bay được làm bằng kim loại dẫn điện và có trở kháng cực nhỏ (dạng kết cấu kiểu Lồng Faraday). Do đó, toàn bộ hành khách và thiết bị bên trong máy bay hầu như không ảnh hưởng gì.
Đối với các thiết bị điện tử quan trọng bên trong máy bay đều đã được thiết kế chống nhiễu, chống ảnh hưởng của xung điện từ rồi nên cũng hoạt động bình thường. “Nói chung, máy bay vẫn tiếp tục bay một cách bình thường,” ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Mai Tuấn Anh cũng cho hay, trên máy bay có trang bị hệ thống rađa phát hiện thời tiết xấu từ xa giúp phi công điều khiển máy bay tránh xa vùng nguy hiểm. Hơn nữa máy bay dân dụng bay ở tầng cao trên mây nên ít bị sét đánh. Sét chỉ xảy ra khi máy bay đang ở giai đoạn hạ và cất cánh. Một chiếc máy bay trung bình 1 năm bị sét đánh 1 lần (tức với tần suất 1 lần/1000 giờ bay).
Trên thế giới, các vụ máy bay bị tai nạn do sét đánh là các máy bay thế hệ cũ, dòng điện cao áp trên đường di chuyển trên vỏ máy bay đã gây ra tia lửa điện, cùng lúc chỗ xoẹt lửa lại ở ngay thùng dầu và hơi dầu là nguyên nhân phát nổ. Nay những vấn đề này đã được các nhà chế tạo máy bay khắc phục: dầu rất ít bốc hơi, kết cấu máy bay không tạo ra chênh điện áp để gây tia lửa...