Đối thoại Shangri-La 2014 (còn gọi Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - IISS) được chú ý đặc biệt bởi những phát biểu mạnh mẽ từ lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico về một số vấn đề xung quanh Hội nghị này.
PV: Đối thoại Shangri-La 2014 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, sau khi thế giới đã chứng kiến các vấn đề tại Ukraine và ở Biển Đông khi Trung Quốc có hành động ngang ngược, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về Đối thoại Shangri-La năm nay?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Hành động của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của hội chứng Ukraine. Đối thoại lần này khác biệt cơ bản so với những lần trước bởi từ năm 2010, vấn đề Biển Đông đã nổi lên nhưng năm nay đặc biệt nổi bật sau việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Đối thoại còn đặc biệt bởi Trung Quốc còn có những hành động đơn phương ở vùng Biển Hoa Đông và với Philippines. Điều đó cho thấy Trung Quốc muốn đơn phương thay đổi nguyên trạng và dùng biện pháp cưỡng bức để thay đổi nguyên trạng. Shangri-La lần này cho thấy những tính toán nóng vội của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với những ý kiến chung của cộng đồng quốc tế trong việc đơn phương dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Điều này bất lợi cho Trung Quốc.
PV: Liên quan đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tại Đối thoại Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố ủng hộ Việt Nam và Philippines. Thông điệp này từ Thủ tướng Shinzo Abe nói lên điều gì, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Điều này không phải mới bởi trước đó, ngày 25/4, ông Abe đã cùng với Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia ven biển ở Biển Đông tăng cường sức mạnh về quan sát và bảo vệ quyền lợi biển. Điều đó thể hiện chính sách nhất quán của Nhật Bản. Tại Đối thoại năm nay, nội dung quan trọng nhất trong phát biểu của ông Abe là “mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả Nhật Bản và Trung Quốc”.
Điều này phù hợp với học thuyết đối ngoại mới của ông Obama là giải quyết các vấn đề xung đột tại Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế. Trong bài phát biểu dài 3800 chữ của mình, ông Abe đã 20 lần dùng từ “luật pháp quốc tế”. Đó là một sự nhấn mạnh và Tổng thống Mỹ hôm 28/5 vừa rồi cũng nhấn mạnh về việc giải quyết các vấn đề xung đột ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Những phát biểu đó cũng cho thấy ông Abe và nước Nhật muốn tích cực đóng góp vào hòa bình ổn định và phát huy vai trò của Nhật Bản trong an ninh khu vực. Đó là một bước phát triển mới. Thực tế hiện nay, Nhật Bản đang là đối trọng của Trung Quốc tại khu vực này.
PV: Với việc Nhật Bản vốn là một đồng minh lâu năm của Mỹ tại Châu Á có những phản ứng mạnh mẽ trước hành động sai trái của Trung Quốc khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phải chăng Mỹ đang từng bước hiện thực hóa việc “xoay trục” chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương của mình, thưa Tiến sỹ?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Mỹ có mấy vạn quân đóng ở Châu Á – Thái Bình Dương và có các hiệp ước liên minh với nước Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Australia. Ở các nước này, Mỹ đều có căn cứ quân sự và có hợp tác phòng thủ với các nước này chứ không phải là đơn phương.
Trong học thuyết về đối ngoại, mới đây, theo ông Obama, đối với những gì liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ thì Mỹ sẽ đáp trả ngay bằng hành động quân sự mà không phải hỏi ai. Còn đối với các khu vực khác liên quan đến lợi ích của đồng minh, Mỹ sẽ phối hợp với các nước đồng minh để có những biện pháp đáp trả tập thể. Đó là một tư duy mới. Đối với những vấn đề không trọng điểm nhưng vẫn cần sự quan tâm của Mỹ thì Mỹ sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế và trực tiếp với các quốc gia có liên quan.
Đối với Việt Nam, chúng ta phải thấy được tính chất mới trong sự can thiệp của Mỹ. Mỹ sẽ cùng Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề tăng cường an ninh, kinh nghiệm và khả năng bảo vệ biển của Việt Nam. Đó là thuận lợi mà Việt Nam phải khai thác. Đây không phải là thời điểm đem quân đi để gây ảnh hưởng lên một khu vưc hay một quốc gia nào đó.
Tại thời điểm này, sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương đã rất mạnh và mạnh vào hàng bậc nhất trên thế giới.
PV: Sau vấn đề với Crimea, dường như Mỹ và đồng minh của mình tại Châu Á đặc biệt là Nhật Bản đang có những tuyên bố thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt hơn so với những gì đã thể hiện ở Ukraine. Ông có nghĩ rằng Mỹ đang muốn chứng minh sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của mình lên khu vực châu Á?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Ông Obama đã liệt kê hành động của Trung Quốc ở Biển Đông một cách rất khéo và có thể khiến Mỹ dính líu về mặt quân sự cho nên Mỹ phải có cách tiếp cận cho đúng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói rằng họ sẽ quan tâm đến châu Âu và châu Á và họ đủ sức để thực hiện ưu tiên đó. Tuy nhiên họ sẽ sử dụng hệ thống đồng minh trng đó Mỹ có vai trò lãnh đạo. Đó là điều chắc chắn sẽ diễn ra và ở châu Á, đó sẽ là Nhật Bản. Nhật Bản sẽ vươn lên, hiện đại hóa quốc phòng và trở thành đối trọng với Trung Quốc.
Mỹ sẽ không đưa quân vào khu vực. Tuy nhiên, tình hình phát triển đến đâu thì Mỹ sẽ phát triển đến đó. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì rất có thể Mỹ sẽ sử dụng biện pháp cấm vận.
PV: Với những tuyên bố mạnh mẽ và có định hướng của lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản trong thời gian vừa qua và tại Đối thoại Shangri-La 2014, ông có nghĩ rằng một bộ Quy tắc ứng xử sẽ sớm được thực thi ở Biển Đông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Mỹ, Nhật Bản và các nước đều khuyến khích điều đó nhưng cái này phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thấy việc dùng biện pháp cưỡng bức và đơn phương không thành công, lúc đó họ mới ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc. Nhật Bản khẳng định việc cần phải cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nếu Trung Quốc thực hiện hành động đơn phương, cưỡng bức tại Biển Đông mà thành công thì sẽ không có COC.
PV: Theo quan điểm cá nhân, ông có tin rằng trong thời gian tới, Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông sẽ sớm ra đời hơn khi mới đây Tổng thống Mỹ đã đề cập đến vấn đề phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển và cho rằng mình phải “gương mẫu” trong vấn đề này?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Hai vấn đề đó không liên quan trực tiếp tới nhau. Việc ra đời COC liên quan trực tiếp đến quan điểm của Trung Quốc khi nhìn nhận vấn đề như thế nào và cuộc đấu tranh của ASEAN. Hành động của ASEAN cho đến thời điểm này chỉ dừng lại ở mức độ như vậy nhưng trước những diễn biến mới từ Shangri-La và tình hình tại Biển Đông, có thể ASEAN sẽ có đoàn kết hơn và tạo sức ép lớn hơn đối với Trung Quốc.
PV: Liên quan đến vấn đề tại Biển Đông, nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam. Vậy hành động của chúng ta là gì?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Chúng ta tích cực vận động quốc tế ủng hộ vì nó sẽ tạo ra sức ép dư luận rất lớn. Việc này cũng phù hợp với đường lối ngoại giao từ thời kháng chiến chống đế quốc. Nhưng chúng ta phải có những biện pháp mới. Thứ nhất, Biển Đông đã bước vào giai đoạn mới khi Trung Quốc đơn phương có những hành động cưỡng bức trên biển. Với Việt Nam, họ luôn trưng ra “chiếc áo” “16 chữ vàng và 4 tốt” nhưng đến thời điểm này, dường như họ đã lột bỏ chiếc áo đó đi để họ sự dụng biện pháp đơn phương cưỡng bức. Qua thời gian vừa rồi, chúng ta cần xác định những mối quan hệ quốc tế, xác định đối tác, đối tượng, đối tác chiến lược không phải theo kiểu cũ nữa. Thứ hai là phải cài đặt lại quan hệ với các Trung Quốc trên cách tiếp cận mới.
Để độc lập tự chủ thì phải độc lập về kinh tế nên trong thời gian tới, chúng ta phải sắp xếp lại “ngôi nhà kinh tế” của mình với Trung Quốc và các đối tác tham gia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính lĩnh vực này mới đòi hỏi trách nhiệm và lòng yêu nước cao nhất của mỗi người Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!