Nếu chính quyền nghe lời cầu cứu, "bi kịch chặt xác" khó xảy ra

Hoàng Nguyên Vũ |

Vậy là nam sinh Trần Nhật Duy đã khép lại tương lai sau vụ án “Giết và chặt xác người tình đồng tính” với bản án chung thân. Một phiên tòa để lại quá nhiều điều đáng suy nghĩ.

Đó là câu chuyện của sự sở hữu. Câu chuyện của tình yêu đồng tính. Câu chuyện của tình mẫu tử.

Và trên hết là câu chuyện về bảo vệ con người khi họ cần đến sự cầu cứu. Câu chuyện này không được đề cập nhiều trong phiên tòa, nhưng lại là một trong những mấu chốt của mọi điều bi đát trong vụ án trên.

Cứ tạm cho rằng bị hại Tuấn đã dành một tình cảm đặc biệt đối với bị cáo Duy, gọi là tình yêu cũng không sai nhưng nếu gọi cho đúng, thì đó là sự sở hữu, muốn sở hữu. Sở hữu bằng mọi giá.

Vì sự sở hữu đó mà bị hại đã làm tất cả mọi thứ để giữ người mình yêu, cho dù biết người đó không yêu mình, không đáp ứng được tình yêu của mình.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Duy đã trải qua một thời gian quá dài, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng do bị Tuấn ép buộc quan hệ đồng tính.

Duy đã nhiều lần muốn thoát khỏi Tuấn. Kể cả việc chứng minh cho Tuấn biết ở lại với Tuấn là điều không thể khi quen bạn gái.

Tuấn đã nhiều lần đánh đập Duy và ép buộc phải ở lại với Tuấn. Không những thế, Tuấn còn đập phá nhà Duy và đe dọa người thân của Duy.

Theo tài liệu, trong quá trình điều tra, công an đến nơi nạn nhân và bị cáo cư trú và thu được nhiều chứng cứ chứng minh hành vi trái pháp luật như đe dọa, đánh đập của Tuấn với Duy.

Đồng thời, tài liệu cũng chứng minh Tuấn thường đe dọa bạn gái và gia đình của nam sinh này.

Khi vụ án mới xảy ra, tôi có dẫn đường link về Facebook để lên án tội ác man rợ của nam sinh. Tôi thực sự bất ngờ khi bên dưới là những dòng comment cung cấp một vài điều đáng phải suy nghĩ.

Một bạn cùng quê bình luận rằng: “Tội nghiệp em Duy, em là con của cô giáo mình. Em hiền lắm. Còn người bị giết rất ghê gớm, đã làm rất nhiều chuyện động trời với em và gia đình em”.

Người đó cũng chia sẻ rằng, Tuấn đã làm đủ mọi trò, mọi thủ đoạn để nam sinh này sống không yên ổn; tạo mọi áp lực để được sở hữu nam sinh này.

Và chuyện đó không một ai ở địa phương là không biết. Và người ta đã nhìn Duy với ánh mắt thương cảm, khi gặp phải một người như Tuấn.

Tôi không nghĩ là chính quyền địa phương ở đó không biết điều này, ngay cả trường hợp gia đình em không kêu cứu chính quyền đi chăng nữa.

Trong khi đó, có một sự thật khác.

Cậu bé đó đã cầu cứu mẹ nhưng người mẹ đã bất lực không bảo vệ được con mình trước sự hung hãn của Tuấn. Mẹ con họ cũng đã nhờ sự can thiệp của chính quyền.

Và đây là tâm sự của người mẹ, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền: ​“vợ chồng tôi ly hôn từ năm Duy mới 6 tuổi, một mình tôi nuôi con khôn lớn với cuộc sống một mẹ một con”. 

“Tôi không biết con tôi và Duy quan hệ đồng tính. Chỉ biết rằng Tuấn đã đến nhà dọa đánh Duy, đập phá nhà và làm cho con tôi bẽ mặt trước bạn bè, gia đình”.

“Lúc ấy, con tôi chỉ biết cầu cứu mẹ “Mẹ ơi cứu con”.

Mẹ đã cứu bằng cách cầu cứu chính quyền địa phương về hành vi của Tuấn.

Nhưng điều đáng tiếc, mẹ con họ đã nhiều lần báo, nhưng chính quyền địa phương đã không có hồi đáp.

Trong khi đó, Tuấn ngày càng quá đáng hơn. Và tìm mọi cách để ép nam sinh phải “yêu” mình.

Điều đáng nói, thời điểm đó, Duy vẫn đang là một nam sinh lớp 11. Vẫn đang là đối tượng vị thành niên.

Hành động ép buộc vị thành niên quan hệ tình dục, vị thành niên này đáng được bảo vệ, thay vì nhận được sự im lặng, từ phía chính quyền.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề, tại sao Duy không được chính quyền bảo vệ trong những lần Tuấn “tống tình” dù sự việc đã được Duy và gia đình cầu cứu chính quyền địa phương ở đây?

Để rồi, khi chính quyền địa phương im lặng, Tuấn lại được nước càng ngày càng ép Duy một cách quá đáng?

Có một điều chúng ta nên hiểu, nếu chính quyền địa phương nhúng tay vào thì mọi chuyện có thể đã theo một hướng khác, có thể đã không bi đát như những gì mà chúng ta đang thấy hôm nay.

Để rồi, Tuấn vẫn tiếp tục trở thành một cơn ác mộng trong cuộc sống của nam sinh. Vẫn tiếp tục giở các trò ép buộc. Và trò cuối cùng, là dọa phải cho ở chung, nếu không sẽ làm hại người nhà của Duy, khi Duy lên thành phố học đại học.

Một người mẹ sống đơn thân ở quê khi con đi xa, có vẻ Tuấn đã hoàn toàn biết được điểm yếu nhất của Duy. Đòn cuối cùng đó, Tuấn đã thành công.

Chúng ta không được bao che cho Duy, nhất là tội ác tước đoạt mạng sống của người khác. Và hành vi man rợ sau khi giết người, dù bất cứ lý do gì.

Nhưng, nếu chúng ta đặt mình vào một chàng trai mới lớn, lẽ ra phải được hưởng những điều đẹp đẽ của cuộc sống, thì em vướng phải những điều rất địa ngục trong cuộc sống của mình.

Ở tuổi đó niềm tin lớn lắm. Nhưng ở tuổi đó, nếu niềm tin bị mất, thì hậu quả cũng thật kinh khủng.

Gần như, sự thỏa hiệp của Duy trước lời đe dọa hại người thân, cũng là cách để Duy đã không còn cái bảo bối niềm tin đối với những người nhận lời kêu cứu của em, ở chính quyền địa phương.

Và câu chuyện đau lòng đã xảy ra khi cậu thanh niên trẻ sau những năm tháng sống trong địa ngục của người tình đồng tính, muốn tự giải thoát cho mình.

Mẹ không cứu được em. Người yêu không cứu được em. Và chính quyền, đã không nghe lời em kêu cứu.

Nhìn cặp kính cận với điệu bộ run rẩy của Duy ở tòa.

Nghe những lời khẩn thiết của em khi xin pháp luật khoan hồng để em có một cơ hội duy nhất được là đứa con còn sống của mẹ, tôi nghĩ rằng, lẽ ra, Duy đáng có một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống đẹp, nếu có một sự nhanh tay nào đó, từ phía chính quyền.

Cũng như, nếu có sự nhanh tay đó, Tuấn đã không phải chết thảm. Và Linh cũng không phải vướng vào tù tội.

Và Duy, hay bất kỳ ai trong hoàn cảnh này, sẽ khó mà tước đi của mình tất cả mọi tương lai, và suýt nữa là cả mạng sống của mình như thế.

Bởi với Duy, em có rất nhiều thứ để mất. Em còn có người mẹ một mình, nên sự ham sống của em còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác.

Giờ em đã được sống.

Nhưng nếu (lại nếu) lời cầu cứu của em được đáp lại từ trước sự việc đáng tiếc xảy ra, hẳn cuộc sống của em sẽ đẹp hơn nhiều, so với cái kết cục này!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại