“Nể nang” phụ huynh mà dạy thêm cũng phải chịu xử lý

Theo Laodong |

Gần một năm sau khi Bộ GDĐT ra quy định siết chặt việc dạy thêm học thêm (DTHT), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có nhận xét về việc thực hiện trong thời gian qua.

Theo ông Hiển: “Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực chỉ đạo các sở ban ngành cùng vào cuộc chấn chỉnh hoạt động DTHT theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Quy định siết chặt quản lý DTHT nhìn chung đã được sự đồng tình của dư luận.

Tuy nhiên, theo tôi các địa phương nên có quy định cụ thể hơn đối với hoạt động trông trẻ và những hoạt động ngoại khóa khác sao cho phù hợp với tình hình của địa phương. Trông trẻ ở đây có nghĩa là không tổ chức dạy theo chương trình chính khóa, không mang sách vở tài liệu đến để học, chỉ tổ chức vui chơi, chăm sóc”.

Trước những ý kiến băn khoăn về việc những giáo viên dạy giỏi hay giáo viên dạy thêm vì nể nang phụ huynh cũng bị phạt vì vi phạm quy định DTHT, ông Hiển cho rằng: “Theo tôi, bất cứ ai vi phạm cũng phải chịu xử lý theo quy định. Cần phải nói thêm rằng nhu cầu của phụ huynh phần nào cũng là do thầy cô, nhà trường tạo ra. Thầy cô ra những đề kiểm tra với yêu cầu quá cao hoặc có những tình tiết lắt léo, đánh đố học sinh thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo cái gọi là “nhu cầu” cho trẻ đi học thêm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thực tế chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được thiết kế phù hợp với năng lực nhận thức của tuyệt đại đa số học sinh. Chúng ta đã biết phần lớn học sinh ở nông thôn, ở các vùng khó khăn không đi học thêm cũng đạt yêu cầu; nhiều em không đi học thêm vẫn đạt thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học”.

Cũng theo ông Hiển, “DTHT quá mức sẽ gây ra tâm lý ỷ lại của cả giáo viên và học sinh. Chúng ta cần phải nhớ rằng việc dạy học không chỉ nhằm truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà mục tiêu quan trọng hơn lại là phải dạy học sinh cách học để các em có năng lực tự học để học tập suốt đời.

Nhưng dạy kiến thức là dễ hơn dạy cách học; khi dạy them, giáo viên thường lạm dụng việc truyền đạt được nhiều kiến thức, không chú ý rèn luyện phương pháp tự học của học sinh; học sinh thì lo tiếp thu kiến thức một cách thụ động, không còn thời gian để tự học, để giải trí nên kiến thức sẽ nhanh bị quên, không được vận dụng sáng tạo!

Thời gian tới, muốn quản lý DTHT thành công phải chú ý đến sự đồng tình của nhà trường, của phụ huynh và các cấp quản lý. Hiện nay, một số địa phương chưa coi trọng việc này, mới chỉ nặng về quản lý hành chính nên chưa thành công, thậm chí có một số việc làm gây phản cảm.

Các cấp quản lý, ban giám hiệu các nhà trường cần phải kiên quyết trong quản lý hành chính, đồng thời phải làm tốt việc giáo dục tư tưởng đối với giáo viên và giải thích chu đáo cho phụ huynh học sinh; chỉ đạo tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập để nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, hạn chế dạy thêm”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại