Năm Giáp Ngọ, “sốt” ăn thịt ngựa bạch lấy may

Năm Giáp Ngọ này, họ hàng nhà ngựa đối diện với nguy cơ “lên đĩa” bởi thịt ngựa bạch đang lên cơn “sốt”.

80 triệu đồng 1 con ngựa bạch

Từ vài tháng nay, rất nhiều người dân Hà Nội lên đường đi các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu… để  trực tiếp săn cho mình một chú ngựa bạch.

Anh Nguyễn Đình Tá (ở Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh và 2 gia đình nữa chuẩn bị đi Thái Nguyên săn ngựa bạch về lấy thịt ăn Tết, còn xương thì để nấu cao. Anh Tá nói: “Thịt ngựa bạch rất ngon. Với lại bước sang năm Giáp Ngọ, ăn thịt ngựa bạch để lấy may”.

Một trong những địa phương nuôi ngựa bạch nổi tiếng ở miền Bắc là xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có tiếng là “đất ngựa bạch” với hàng trăm cá thể ngựa thuần chủng.

Ông Lê Sinh, một người nuôi ngựa bạch ở Dương Thành bảo: "Nuôi ngựa bạch đã thành phong trào khoảng 4 - 5 năm nay. Nhưng phải nói, thời điểm cuối năm nay, nhất là khi Tết Nguyên đán đến gần, chưa bao giờ người ta lại săn tìm ngựa bạch nhiều như thế. Ngựa bạch cứ thế tăng giá đến chóng mặt”.

Theo ông Sinh, trước đây ở Dương Thành chỉ có 3 hộ nuôi ngựa, nhưng rồi nuôi ngựa sinh lãi cao nên con số đó đã tăng lên 60 hộ. Thế mà 60 hộ hiện nay dường như cũng chưa thể đáp ứng đủ “cơn sốt” ngựa bạch khi chuẩn bị bước vào năm con ngựa.

Một người buôn ngựa ở đây cho hay: "Ngựa bạch Dương Thành số lượng tăng, giảm thất thường lắm. Sáng có thể chỉ mươi con, chiều tối đã có vài trăm con là chuyện bình thường. Đặc biệt vào dịp này, số lượng càng biến động hơn. Có khi Dương Thành chỉ là trạm trung chuyển, thậm chí chỉ là nơi liên hệ, thế rồi ngựa chẳng cần “chạy" qua đây nữa”.

Thì ra, Dương Thành không chỉ là nơi nuôi ngựa bình thường mà còn là chốn buôn bán, trao đổi, quy tụ ngựa bạch để các thương lái có thể lựa chọn mua đi bán lại, tùy ý và tùy thích. Cũng tay buôn ngựa này cho biết nếu giết thịt ở đây thì 50 triệu đồng một con đực. Nếu mua cả con đưa về thì giá cao hơn.

Ngoài Dương Thành ở Thái Nguyên, thì tại Bắc Giang có xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên cũng là một nơi có tiếng buôn ngựa. Ở xã này, ngoài nuôi ngựa bạch lấy cao, người dân còn tận dụng làm sức kéo nên ngựa có giá khá cao. Tại Ngọc Lý, giá ngựa bạch được bán theo nhu cầu thị trường. Tức là khi ngựa bạch ở mức bình thường thì có giá khoảng 50 - 60 triệu đồng/con đực, 30 - 40 triệu đồng/con cái. Nhưng khi ngựa bạch đã khan hiếm thì giá có thể lên tới 80 triệu đồng/con, bất kể là cái hay đực.

Cũng vì lý do đó mà từ 3 - 4 hộ nuôi ngựa nhỏ lẻ những năm 2000, bây giờ ở Ngọc Lý đã tăng lên thành tổ hợp chuyên nuôi, cung ứng ngựa bạch và xuất hiện nhiều “đại gia” nuôi ngựa. Mảnh đất này hứa hẹn còn kiếm bộn khi phong trào săn ngựa bạch thực sự “sốt” khi bước sang năm con ngựa.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà… gom ngựa!

Không biết có phải do những thông tin lan truyền về giá trị “bổ dưỡng cao” của cao ngựa bạch hay là quan niệm về “điềm lành” khi bước sang năm Giáp Ngọ, khi được ăn thịt ngựa mà giá ngựa tăng vọt. “Không chỉ nhiều gia đình góp tiền mua ngựa bạch về thịt nấu cao mà có cơ quan cũng liên hoan thịt ngựa bạch vào dịp sơ kết, tổng kết… để lấy may”, ông Đồng -người buôn ngựa bạch ở Bắc Giang lý giải nguyên do ngựa bạch “sốt” dịp cuối năm nay.

Ông Đồng đã có thâm niên buôn ngựa cả chục năm.  Ông bảo, những năm 2000 ông đã đến Lạng Sơn để săn tìm giống ngựa bạch quý hiếm ở đây. Bấy giờ, ngựa chỉ chưa đến chục triệu một con, khó khăn lắm mới bán được một vài con.

 2

Nghề “lái” ngựa trở thành nghề kiếm bộn dịp cuối năm. Ảnh: Trần Hòa

Theo ông Đồng, ngựa bạch vùng Lạng Sơn giờ đã khan hiếm. “Nhiều khách mua được lái buôn chào mời rằng đó là ngựa bạch Lạng Sơn nhưng thực tế trong số đó có được bao nhiêu con? Bây giờ khi “sốt” ngựa bạch được đẩy lên cao ngút, người ta lấy mối cả ngựa từ Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai. Những ngày này, lên đó thậm chí chưa chắc đã săn được ngựa”, ông Đồng nói.

Người mua ngựa bạch nếu am hiểu thường chọn mua ngựa có khoáy đóng đều, khép kín, không loạn khoáy; kiêng mua những chú ngựa có khoáy “xuyên tông”, “lầu tẩy” vì cho rằng nó sẽ đem lại điều không may mắn, của nả đi sạch cửa nhà.

Quả thật, ở những “sới” ngựa bạch này, chưa thấy ai nói nuôi, buôn ngựa bạch mà lỗ cả. Hiện nay, đường dây mối lái ngựa đã đạt đến độ chuyên nghiệp và đã trở thành thương hiệu. Ở Ngọc Lý có người buôn tổng hợp các loại ngựa nhưng cũng có sự phân công, “chuyên môn hóa” rõ ràng. Ví như chỉ cần nghe tên “Cường Bạch”, người dân ở đây đều biết đó là anh Cường chuyên buôn ngựa bạch hoặc “Văn Cày” là anh Văn chuyên buôn ngựa bán cho nông dân cày kéo…

Rộ mốt ăn thịt ngựa, sốt cao ngựa bạch đã làm cho nghề “lái” ngựa trở thành nghề kiếm bộn tiền. Một số “lái” ngựa chuyển sang chuyên săn lùng ngựa về thuần phục. Ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên… đồng bào dân tộc thường nuôi ngựa theo bầy đàn rồi chọn những con to khoẻ về thuần phục, nhân giống tại nhà.

Những người ít vốn lại có cách kinh doanh riêng - làm nghề “xáo ngựa” như ông Đồng. Ông Đồng cho biết, nghề “lái” ngựa không phải đơn giản là có tiền mà mua được ngựa, nhiều khi phải lăn lộn tìm mối, tìm giống… “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để gom ngựa. Nếu không có kinh nghiệm, mua giá quá cao về bán không được giá, lỗ vốn là chuyện thường”, ông Đồng cho biết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại