Mỹ nữ Hàng Đẫy - con gái nhà tư sản giàu nhất nhì Hà Nội

Theo Cảnh sát toàn cầu/Đất việt |

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (sinh năm 1915) là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ".

Kiều nữ nhà tư sản nổi tiếng Hà thành

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, tại ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy. Phố Hàng Đẫy bây giờ đã được đổi tên thành phố Nguyễn Thái Học. 

Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) trước năm 1945 là nhà tư sản kinh doanh ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ảnh cưới của người đẹp áo đen với ông Bùi Tường Viên.

Trong 3 người con giữa cụ Đỗ Lợi và cụ bà Nguyễn Thị Quỹ, Đỗ Thị Bính là người con gái cả xinh đẹp nết na, là sắc nước hương trời Hà thành thuở đó. 

Sinh thời, bà Bính có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen". Áo dài tay hay áo ngắn tay, tuyền là gam màu đen sang trọng. Sự tinh tế của người đẹp thường biết sử dụng những màu quần áo thích hợp để tôn lên vẻ đẹp của mình, dù nhiều lúc đó là những trang phục giản dị và dân dã. Màu đen đã làm cho vẻ đẹp của bà Bính thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng và sự sang trọng, nghiêm trang của người đẹp.

Cuộc đời bình dị của người đẹp Đỗ Thị Bính

Bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của người đẹp Đỗ Thị Bính kể lại: mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng, người đẹp không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Thuở ấy, người đẹp cũng ý thức được nhan sắc của mình, cũng hiểu được vẻ đẹp ấy đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim đắm đuối.

Thế nhưng, ý thức của một người có học vấn, lại được sống trong một gia đình khoa bảng nền nếp, được dạy dỗ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh ngay từ nhỏ..., cách ứng xử của người đẹp cũng rất mực ý tứ. 

Năm 1939, người đẹp lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên khi đó vừa mới du học bên Pháp về.

Bùi Tường Viên là em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội)

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống từ năm 1946, người đẹp Đỗ Thị Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc chiến tranh đòi độc lập, hoà bình dân tộc.

Chân dung mỹ nữ Hàng Đẫy khiến bao người si mê một thời

Tại Tuyên Quang, người đẹp được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái, sau này nguyên là giám đốc Quân Y viện 103), dạy cho cách tiêm thuốc kilofooc (một loại thuốc chống báng) để đối phó với bệnh sốt rét.

Mặc dù chưa một ngày được học nghề y, thế nhưng, những năm tháng tản cư  người đẹp Đỗ Thị Bính đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo, trong đó có cả những người con của chính mình. 

Hoà bình lập lại. Đất nước được giải phóng. Trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống  bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt.

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Bà đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh, sống cuộc sống bình dị như biết bao người Hà Nội khác.

Trước 1930, phố Nguyễn Thái Học ngày nay mang tên phố Hàng Đẫy. Gần đó là khu Văn Miếu, là nơi cậu công tử Nguyễn Nhược Pháp, con trai của nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở đó. Si tình trước bóng giai nhân, Nguyễn Nhược Pháp ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên, hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã...

Người đẹp Đỗ Thị Bính cũng hiểu được tình cảm của cậu công tử con ông Nguyễn Văn Vĩnh có tình ý với mình. Thế nhưng, tình thì có, nhưng duyên thì không. Nhà thơ đa tài, mệnh bạc đã sớm ra đi, ở tuổi 24 (năm 1939).

Vì có thói quen mặc đồ đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là “người đàn bà áo đen”. Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã… Và những vần thơ tuyệt vời trong tập “Ngày xưa” đã ra đời từ đó.

Các bài thơ như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương”… đều phảng phất bóng dáng giai nhan Đỗ Thị Bính. Người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Pháp, nhưng tình thì có, nhưng duyên thì không. Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại