Muốn dạy con tốt, bố mẹ hãy từ chối bạo lực

Thiên Di |

(Soha.vn) - Câu chuyện bố mẹ thường xuyên phải quát mắng, dọa nạt, đòn roi với con đang xảy ra phổ biến ở nhiều gia đình Việt Nam. Và với phương pháp “kỷ luật không nước mắt”, ThS Trần Thị Ái Liên chỉ ra rằng bạo lực là phi nghĩa.

Không ép buộc trẻ

Với mong muốn truyền thông điệp “Con luôn luôn tốt, chỉ có hành động là xấu”, ThS Trần Thị Ái Liên -  Nguyên cố vấn chính sách cho tổ chức Project Vietnam, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ đã đưa ra “lối thoát” cho nhiều bậc phụ huynh về cách dạy dỗ con cái mà không cần dùng đến bạo lực. Đó là “kỷ luật không nước mắt” gồm quy tắc thưởng, phạt; Nghệ thuật khen, chê và Quy tắc ứng xử với con trẻ…

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên - Nguyên cố vấn chính sách cho tổ chức Project Vietnam, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ chia sẻ về cách dạy con không cần roi vọt.

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên - Nguyên cố vấn chính sách cho tổ chức Project Vietnam, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ chia sẻ về cách dạy con không cần roi vọt.

ThS Ái Liên cho biết: “Đây là phương pháp đơn giản, bậc làm cha mẹ hãy sử dụng thường xuyên như một lối sống, hướng đến lối sống không bạo lực. Kỷ luật không nước mắt là cách giáo dục không bạo lực thể xác, không bạo lực tinh thần, nhưng không có nghĩa là chiều chuộng mà là rèn luyện trong giới hạn và sự kiên trì”.

Thạc sĩ đưa ra ví dụ, nếu cứ áp dụng ép buộc con phải thế này, phải thế khác sẽ khiến đứa trẻ sợ hãi, thiếu tự tin. Mỗi lần như thế, hoóc môn cortisol trong cơ thể trẻ tiết ra có thể khiến đứa trẻ chậm phát triển, tim nhỏ hơn, não kém thông minh so với những đứa trẻ khác…

Nếu cứ ép con ăn cơm, đứa trẻ sẽ ăn với cortisol, ông bà hoặc bố mẹ cũng sống cùng với chất cortisol gây ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, chán chường…Và nếu giải quyết vấn đề bằng bạo lực thì tiềm thức của đứa trẻ hình thành sẽ là bạo lực và lớn lên đứa trẻ cũng sẽ thích dùng bạo lực.

“Một gia đình hạnh phúc không thể thiếu những quy tắc, tình thương và thời gian báo trước. Và quy tắc không phải từ một phía mà được thống nhất giữa bố mẹ và con cái. Hãy để cho con bạn có quyền được nói, chia sẻ, lựa chọn một cách dân chủ”, ThS Ái Liên nhấn mạnh.

Giúp trẻ hiểu được luật nhân quả

Một đứa trẻ quăng đồ, vỡ đồ đạc, bố mẹ thường quát mắng hay đánh. Lần sau đứa trẻ lại tiếp tục quăng đồ, lặp lại hành động đó và lúc đó việc người lớn đánh chúng đã không còn tác dụng.

Lý giải điều này, ThS Ái Liên cho biết: Khi đứa trẻ hành động sai chúng chưa hiểu được quy luật nhân quả, hầu như người lớn không giải thích rõ cho trẻ hiểu rằng: “nếu con quăng đồ thì sẽ làm hỏng đồ, hỏng tường…” và đưa ra lời cảnh báo: “nếu lần sau con làm như thế, con sẽ bị phạt”.

Thạc sĩ cũng chỉ ra rằng, cha mẹ Việt Nam mong muốn con mình nghe lời bằng việc ra lệnh, còn cha mẹ phương Tây mong muốn con họ hợp tác qua việc thuyết phục, thương lượng bằng đối thoại hai chiều.

Sự khác nhau đó thể hiện rỏ ở việc cha mẹ Việt tự cho mình quyền làm vua được quyền ban hành luật, ra lệnh để răn đe, ép buộc người con phải theo dẫn đến trạng thái sợ hãi; còn cha mẹ phương Tây cho con họ quyền dân chủ.

“Hệ thống dân chủ trong gia đình là không có bạo lực và nỗi sợ hãi. Phạt không đau, không sợ mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Hãy để cho con của bạn nói thẳng thắn bày tỏ quan điểm một cách thoải mái. Chúng có quyền nói mong muốn bố mẹ làm thế này, làm thế kia…”, Thạc sĩ Ái Liên nhấn mạnh.

Mỗi gia đình hãy từ chối bạo lực, hãy sống lối sống không bạo lực.

Mỗi gia đình hãy từ chối bạo lực, hãy sống lối sống không bạo lực.

Không “hối lộ” trẻ

Quy tắc thưởng phạt phải dựa trên sự thống nhất của cả nhà và có báo trước. Hãy phạt lỗi thường xuyên chứ đừng phạt lỗi mới trẻ mắc phải, lúc đó cần nhắc nhở giúp trẻ hiểu mối quan hệ nhân quả.

Đối với trẻ dưới 11 tuổi, thưởng phạt chỉ dựa trên sự cố gắng chứ đừng lấy kết quả. Một đứa trẻ bị điểm 5 Toán, bạn đừng phạt trẻ mà ngược lại hãy xem sự cố gắng của con như thế nào để đánh giá, động viên.

Nguyên tắc phạt mà Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên đưa ra là hình phạt con không được đau, không sợ hãi, không khó chịu. Một trong số đó là Góc bình yên (trẻ là từ 3-10 tuổi), nghĩa là khi trẻ phạm lỗi, trẻ sẽ ra Góc bình yên để ngồi suy nghĩ với quy ước trẻ 1 tuổi thì ngồi 1 phút.

Theo Thạc sĩ, đánh con thì dễ nhưng khen, chê trẻ cũng cần có nghệ thuật. Công thức khen như sau: Con”+ hành động ví dụ như “Con không xả rác ra ngoài đường, con giỏi quá!”. Và hãy “moi móc” mà khen từ những việc nhỏ nhất, chi tiết, cụ thể nhất của đứa trẻ.

Bên cạnh đó, lời chê không gây tổn thương trẻ để trẻ hiểu rằng chỉ có hành động xấu, con luôn luôn tốt vì vậy người lớn cần nói tên hành động cụ thể, giải thích rõ ràng, rút ra bài học chứ không nói đứa trẻ hư.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Ái Liên thì ranh giới giữa “khen” và “hối lộ” rất mong manh. Cha mẹ không nên “hối lộ” con mình mà nên đưa ra lời khen trung thực, chân thành.

Thạc sĩ dẫn dụ: “Thưởng: “Nếu con ăn trong vòng 30 phút, con sẽ được thưởng 1 ly kem” sẽ khác việc hối lộ: “Con ăn nhanh, mẹ cho con ăn kem” và lần sau đứa trẻ sẽ cố tình ăn chậm để được ăn kem.

Hơn nữa, người lớn cũng cần có quy tắc ứng xử trước trẻ con. Theo diễn giải Ái Liên, ông bà, bố mẹ hãy làm gương cho nhau chứ không phải làm gương cho con.

“Hãy tôn trọng trẻ bằng việc đặt câu hỏi mở cho chúng. Cho trẻ trải nghiệm, khuyến khích trẻ có quyền được lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn, quyết định của mình”, Thạc sĩ Ái Liên khẳng định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại