Năm nay, lũ lớn về tỉnh Kiên Giang khiến nhiều nông dân mất mùa màng, bù lại họ kiếm nhiều tiền bằng sản vật từ thượng nguồn tràn sang, nhất là chuột. Thế là những ngày này đi trên tuyến quốc lộ N1 bắt gặp nhiều người đi mua chuột, nhiều người bỏ nhà để đổ xô lên vùng giáp biên để săn chuột… ngoại!
Ở vùng biên, thường trời chập tối luôn yên ả, ít thấy bóng người ra đường hay ra đồng, có chăng chỉ là những hình ảnh quen thuộc của lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự để người dân yên giấc.
Còn bây giờ, trời chập tối là lúc nhà nhà đổ xô lên vùng biên để giăng câu, thả lưới, bắt rắn, mà thú vị nhất là săn chuột đồng. Ông Phạm Văn Hoáng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Giang Thành, cho biết: “Do ruộng lúa, hoa màu của người dân vùng này dường như đã mất trắng, nên bà con tập trung vào việc săn bắt cá, chuột để kiếm sống.
Tính bình quân, mỗi đêm người đi giăng câu, thả lưới cũng kiếm được hơn chục kg cá, cho thu nhập 400-500 ngàn đồng. Còn đi săn rắn, chuột thì thu nhập cao hơn, có khi lên hơn triệu đồng. Lũ về, các sản vật cũng từ Campuchia theo về, chứ vùng này cá mắm còn gì đâu”.
Hàng ngày rất nhiều người ở huyện biên giới Giang Thành đổ xô ra đồng săn bắt chuột
Thật vậy, anh Tuấn, ngụ ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú, bộc bạch: “Mỗi đêm, có 100 cần để cắm trên ruộng nước nơi vùng giáp biên, mỗi đêm có 40-50 cá trê vàng cắn câu, trung bình 4 con 1kg”.
Còn chú Tư Thuận, ngụ ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, thì “chuyên trị” các loại… rắn ngoại. Chú Thuận, cho biết mỗi đêm giăng lưới, đào hang cũng bắt được hơn chục con rắn hổ hành, hổ hèo, mỗi con nửa kg, có khi gần 1 kg. Giá rắn cũng từ 160-200 ngàn đồng/ kg, nên sống khỏe.
Riêng bà con ở các ấp ven vùng biên giới của xã Vĩnh Điều và Vĩnh Phú, thì đa phần là săn chuột… ngoại. Ban ngày, muốn tìm đàn ông, trai tráng ở trong nhà là hơi bị khó, vì họ đổ ra đồng để bắt chuột.
Chuột ở vùng này bây giờ mập ú, 4-5 con đã đủ 1kg, chứ không như chuột… nội do bị tiêu diệt để làm lúa nên số chuột không còn nhiều và cũng không kịp cho chúng lớn để phá hại mùa màng.
Chú Hai Đỡ, ngụ ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú cho biết, cũng nhờ đi săn chuột trong lũ mà gia đình không còn lo nhiều khi diện tích hoa màu bị thiệt hại. “Mỗi đêm, trung bình tôi đi bắt được khoảng 14 kg chuột, giá bây giờ là 24.000 đồng/kg, cho nên có thể còn lãi nhiều hơn trồng hoa màu”.
Còn anh Ba Lụa, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, cũng “chuyên” đi săn chuột ngoại ở vùng giáp biên, phấn khởi: “Lũ về, chuột kéo theo về trong lũ, chúng đến đâu “thắng” lại được là trú ở đó, mình chỉ có việc đem chó theo quần thì lập tức chúng nhảy ùm xuống nước mà bắt, có đêm mấy cha con tôi bắt gần 20kg”. Chưa dừng lại ở đó, lúc lũ chưa nhấn chìm hàng trăm ha lúa trét, mỗi đêm gần 60 chiếc xuồng dùng điện để bắt khi chúng “mò” vào ăn.
Anh T. ngụ xã Vĩnh Phú e ngại khi tiếp chuyện với chúng tôi, vì sợ nói ra việc dùng điện bắt chuột là bị cấm, nếu công an phát hiện sẽ tịch thu. Thế nhưng, do chuột “ngoại xâm” nhiều quá, thấy lợi cũng dựng lều đi bắt, có đêm được 30kg. “Lúc đầu thấy những người hàng xóm đi bắt bằng xuyệt điện tôi không tham gia, nhưng ai cũng dùng như vậy nên mình cũng “né” mấy anh công an mà tìm kế mưu sinh mùa lũ, qua lũ rồi thì không dùng nữa”, anh T. phân trần.
Ông Dương Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, cho biết: “Cả chục năm nay, lũ mới xuất hiện trở lại nên bà con tranh thủ giăng câu, thả lưới... bắt rắn, chuột từ Campuchia sang để kiếm thu nhập.
Ngoài việc săn bắt cá, rắn, nếu như không có những người săn bắt chuột thì khi nước rút hậu quả của nó thật khó lường. Mỗi ngày trung bình người dân trên địa bàn xã bắt 300-500kg chuột”.
Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều, cho biết thêm: “Do xã nằm vùng giáp biên, khoảng chục năm về trước, ngoài việc lo chuột “nội”, nông dân còn khổ sở với loại “chuột ngoại” tấn công. Cũng vì vậy, ngoài việc người dân làm nhiều cách để ngăn không cho chuột tấn công vào ruộng lúa, xã còn khuyến khích người dân bắt chuột bằng hình thức thu gom mua đuôi chuột, sau đó đem tiêu hủy”.
Cũng phải nói thêm, ngoài những “anh hùng S.B.C” (săn bắt chuột) thì phải kể các anh chuyên đi thu mua lại để chở đi tiêu thụ.
Anh Thành, người An Giang, mỗi sáng sớm từ huyện Thoại Sơn chạy dọc theo tuyến quốc lộ 80 từ huyện Hòn Đất lên huyện Kiên Lương, Giang Thành để thu mua chuột, cho biết: “Tôi hành nghề này gần 3 năm nay, mỗi ngày tôi thu gom khoảng 100-200 kg, rồi chở qua TP. Cần Thơ tiêu thụ ở các quán nhậu. Nếu chỉ riêng mình tôi, thì tính ra mấy năm nay cũng chở mấy tấn chuột ở vùng này đem đi tiêu thụ nơi khác”.
Theo anh Thành, ngoài anh ra, hàng ngày còn có các anh Tiến, Minh, Sang, Lực... cũng hành nghề thu gom chuột dọc các tuyến huyện biên giới Giang Thành, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất (các anh tự phân chia mỗi người một hướng thu gom), mỗi ngày trung bình có khoảng 1 tấn chuột được thu mua.
Ông Lâm Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Giang Thành, ngồi trong phòng làm việc chỉ tay ra bờ ao phía trước cơ quan nói: “Đêm hôm, tôi đem tay lưới giăng dưới ao này, sáng ra cá mắc lưới không sao gỡ nỗi phải kéo lên bờ kêu mấy anh em gỡ tiếp.
Lũ về thì lo thật, nhưng nói về cá, rắn, chuột… ngoại từ Campuchia theo dòng nước lũ sang thì nhiều, cũng nhờ đó mà bà con cũng có thu nhập, nên đời sống vẫn ổn định”.
Bây giờ, về vùng đầu nguồn lũ huyện biên giới Giang Thành, ngoài việc đi xem người dân đi giăng câu, thả lưới, săn bắt rắn, chuột ngoại, thì cũng đừng quên thưởng thức các loại “đặc sản”… ngoại này cho bõ cái thú ăn chơi.
Theo Gia Bảo
PNTD