Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, đã nói như vậy trong buổi thảo luận tại các tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2021 của Quốc hội sáng 24-3.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết các mục tiêu, giải pháp chính đã được Đại hội Đảng quyết định, cho nên vấn đề quan trọng nhất là tới đây triển khai như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khái quát: Đặc điểm lớn nhất của 5 năm tới là hội nhập, là tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nếu cứ nói chung chung về cơ hội và thách thức thì rất khó, bởi đi vào từng ngành nghề cụ thể thì phải cạnh tranh rất khốc liệt, có nguy cơ thua trên sân nhà.
An ninh tài chính dễ bị đe dọa
Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ảnh: Việt Dũng
“Chúng ta không thể phát triển nóng, thúc đẩy tăng trưởng vội vàng, bởi với tình trạng nợ công như vậy mà đẩy lên cao nữa thì giọt nước sẽ làm tràn ly, an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu)
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho rằng quan trọng nhất là phải xác định thật rõ quan điểm, mục tiêu phát triển.
“Tăng trưởng nhanh hay ổn định kinh tế vĩ mô? GDP của ta mới có 2.100 USD/người/năm, trong khi nhiều nước đã 40.000-50.000 USD.
Sự tụt hậu là rất đáng lo ngại, mà tụt hậu ảnh hưởng rất lớn đến tiềm lực quốc gia, đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Nhưng chúng ta cũng không thể phát triển nóng, thúc đẩy tăng trưởng vội vàng, bởi với tình trạng nợ công như vậy mà đẩy lên cao nữa thì giọt nước sẽ làm tràn ly, an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa” - ông Thụ trăn trở.
Vị đại biểu đồng thời là chuyên gia về tài chính - ngân sách này kiến nghị: Phải lựa chọn phát triển bền vững, giảm áp lực chi cho ngân sách nhà nước, hạn chế thâm hụt, tiết kiệm triệt để, giảm tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước...
Phải bố trí ngân sách để trả nợ, bao gồm cả trả nợ lãi và trả nợ gốc, chứ còn cứ đảo nợ, vay nợ mới để trả nợ cũ thì bội chi vẫn tăng vọt.
“Tôi rất đồng cảm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là chúng ta đang điều hành ngân sách theo kiểu đi trên dây, đứt dây là chết.
Mức độ rủi ro rất cao. Phải đặt mục tiêu đảm bảo an ninh tài chính lên hàng đầu, bởi nếu mất an ninh tài chính thì đất nước sẽ rơi vào tình trạng khó khăn cùng cực” - ông Thụ nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng bày tỏ lo lắng khi lần đầu tiên Chính phủ công nhận nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%).
Theo ông Xuyền, đáng lo ngại nhất là tới đây chi cho an sinh xã hội, chi ứng phó biến đổi khí hậu... sẽ làm áp lực chi rất cao trong khi nguồn thu ngày càng khó khăn.
Có những mục không thể không chi, không chi là mất ổn định ngay, mà đã chi là lấy ngân sách, rồi lại đi vay.
“Tôi rất lo” - ông Xuyền nói.
“Cứ bình tĩnh mà nghèo thôi”
Đề cập đến khoa học công nghệ như là một động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới đây, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng thể chế kinh tế thị trường chưa thấm sâu vào lĩnh vực này.
“Chúng tôi ở trong Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đi giám sát các cơ sở khoa học công nghệ, thấy tư tưởng bao cấp, xin cho còn rất nặng nề, vì vậy không có động lực để phát triển.
Phải làm sao để cơ chế thị trường thấm sâu vào hoạt động khoa học công nghệ.
Chúng ta nên mạnh dạn cơ sở nào mà không hoạt động được thì cũng nên giải tán.
Chúng tôi thăm Viện Khoa học công nghệ VN, rất hoành tráng, có hàng nghìn nhà khoa học, nhưng hỏi sản phẩm khoa học trưng ra cực kỳ hiếm, không đáng kể” - đại biểu Thăng nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng trí tuệ người VN không thua kém nước nào trên thế giới, chỉ có điều làm thế nào phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người VN.
“Ở trên anh Thăng nói về khoa học công nghệ, có lẽ do thể chế, chứ tại sao mới chỉ trình độ tiểu học mà gần 80-90% các sản phẩm, các công cụ nông nghiệp là do bà con nông dân làm ra, chứ không phải là ở trong các viện” - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa cũng cho rằng thái độ đối xử của ta với khoa học công nghệ có vấn đề.
Đơn cử như việc một nông dân ở Thái Bình sáng chế ra lò đốt rác nhiệt độ cao, lẽ ra cơ quan chức năng cần huy động các nhà khoa học vào hỗ trợ người nông dân này hoàn thiện sáng chế, khắc phục những điểm hạn chế thì lại chê bai và yêu cầu dỡ bỏ một số chi tiết của lò đốt rác để kiểm tra.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận rằng với tăng trưởng 5,9% trong giai đoạn vừa rồi khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng lại rất khó đánh giá khi báo chí nêu, đại biểu cũng thấy chuyện những dự án 8.000 tỉ, 7.000 tỉ đồng “đắp chiếu”.
“Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải tái cơ cấu mạnh mẽ, nhưng chúng tôi đi giám sát ở nhiều bộ ngành thì họ cứ bình bình vậy thôi.
Vấn đề là việc đánh giá cuối cùng cũng hòa cả làng, anh làm được cũng như không làm được, người đứng đầu ở những nơi không làm được vẫn thấy cứ thăng tiến lên vị trí cao hơn.
Có nhiều địa phương không lo lắng gì cả, cứ bình tĩnh mà nghèo thôi” - ông Phúc nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng
“Chúng ta không liên minh để chống phá, xâm lược nước khác nhưng chúng ta có quyền liên minh để tự bảo vệ mình, để chủ động có tầm nhìn từ xa bảo vệ Tổ quốc Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
“Bao giờ dân có quyền thay thế cán bộ hư hỏng?”
Về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Trần Xuân Hòa nêu câu hỏi:
“Tại sao làm trong bộ máy hành chính lương thấp mà nhiều người cứ lao vào chỗ nghèo này? Thậm chí tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét, theo tôi, hiện nay giảm 30% người làm công ăn lương trong bộ máy là còn ít, chúng ta phải bố trí ngân sách để giảm biên chế mạnh mẽ hơn”.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) than về tình trạng thủ tục tinh giản bộ máy quá nhiêu khê, rườm rà.
“Hiện nay có nghị định 108 về tinh giản bộ máy, nhưng các địa phương muốn tinh giản bộ máy thì phải trình cho Bộ Nội vụ duyệt, rất phi lý.
Lộ trình thì muốn giảm 10% biên chế, chưa biết có giảm được hay không nhưng thủ tục để thực hiện thì đã khó khăn. Tôi đề nghị cần phải phân cấp mạnh để các địa phương chủ động.
Chính phủ cần mạnh dạn giao cho địa phương để tinh giản. Hiện nay vì việc này nên vấn đề tinh giản bộ máy của TP.HCM cũng rất vướng. Trong khi đây là nhiệm vụ sống còn của phát triển kinh tế - xã hội” - bà Dung phân tích.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu câu hỏi bao giờ dân có quyền thay thế lãnh đạo hư hỏng, rồi ông phân tích: “Hiện nay người dân không có quyền này.
Trong khi Hiến pháp đã quy định nhưng cơ chế lại chưa tạo ra được cho người dân có quyền ấy”.
Theo ông Nghĩa, từ cấp xã cho đến cấp huyện... biết bao nhiêu quan chức tham nhũng, làm việc bậy bạ, người dân cứ khiếu nại tố cáo, nhưng cuối cùng họ vẫn không có quyền đưa ra quyết định việc thay thế những cán bộ, quan chức hư hỏng.
Đề nghị Thủ tướng báo cáo về tình hình hạn mặn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết: “Kết thúc buổi thảo luận tổ ngày 24-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã thống nhất đề nghị Thủ tướng có báo cáo về tình hình hạn hán, ngập mặn tại Tây Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1-4”.
Theo ông Huỳnh Thành Lập, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận thấy tình hình hạn hán, ngập mặn đang rất nguy cấp, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó đề nghị Thủ tướng báo cáo tình hình và các giải pháp trước mắt, lâu dài để xử lý vấn đề này.
Bị xâm phạm chủ quyền không còn là nguy cơ
Theo đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM), rõ ràng chủ quyền của đất nước bị xâm phạm rồi, chứ không chỉ là nguy cơ nữa. Nhưng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 không thấy dự báo rõ nét.
“Theo tôi, sau những biến động về tình hình chủ quyền đất nước trong thời gian qua, cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới.
Chúng ta không dự báo được thì làm sao có chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tôi đọc báo cáo thấy dự báo rất mờ nhạt” - bà Dung nói.
“Phải dựa vào bạn bè và đồng minh để bảo vệ chủ quyền” - ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lên tiếng.
Theo ông, VN có chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự, xây dựng quân đội để bảo vệ đất nước, không vũ trang để xâm phạm chủ quyền nước nào là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể không tham gia các liên minh quân sự - liên minh cứng, nhưng ta có thể xây dựng, tham gia các liên minh mềm.
“Liên minh mềm là việc tôi cần anh và anh cần tôi, và về chiến lược lâu dài tôi với anh không có xung đột về lợi ích. Hiện nay đường lối của Đảng cũng đã đi theo hướng này. Tôi đề nghị suy nghĩ kỹ về phương châm của chúng ta.
Chúng ta không liên minh để chống phá, xâm lược nước khác nhưng chúng ta có quyền liên minh để tự bảo vệ mình, để chủ động có tầm nhìn từ xa bảo vệ Tổ quốc” - ông Nghĩa phân tích.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Huỳnh Thành Lập nhắc lại thời điểm Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã gần 50 năm.
Đã có những cảnh báo của giới học giả về việc chiếm giữ thực tế và chủ quyền đối với quần đảo này.
Thời gian không còn nhiều, Quốc hội và Chính phủ phải tính sớm giải pháp để đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp.