Một công trình xã hội hóa (vận động đóng góp của phụ huynh) do ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) khởi xướng, đã bàn giao và đưa vào sử dụng năm năm nay. Qua hai đời hiệu trưởng và nhiều đời ban đại diện cha mẹ HS nhưng số tiền được huy động vẫn chưa đủ để thanh toán hết cho nhà thầu.
Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc III vừa có văn bản gửi ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ HS Trường tiểu học Kỳ Ðồng về việc “xác nhận số tiền được thanh toán công trình sửa chữa, cải tạo Trường tiểu học Kỳ Ðồng”.
Trong đó, công ty đưa ra con số quyết toán công trình được cô hiệu trưởng cũ Dương Thị Ngọc Thu và trưởng ban đại diện cha mẹ HS cũ kiểm tra và phê duyệt là hơn 1,2 tỉ đồng.
Từ ngày bàn giao công trình đến nay, công ty này đã nhận được tổng cộng năm lần thanh toán của trường với tổng số tiền 854,2 triệu đồng. Số tiền mà nhà trường còn nợ đến thời điểm này hơn 359 triệu đồng.
Một phụ huynh trong ban đại diện cha mẹ HS kể lại: “Năm học 2009-2010 nhu cầu xây mới nhà vệ sinh rất cấp bách do công trình cũ đã xuống cấp, ban đại diện và hiệu trưởng cũ đã huy động phụ huynh xây dựng công trình này.
Công trình được đưa vào sử dụng năm học 2010-2011, đơn vị thi công tạo điều kiện cho trường trả nợ dần sau khi bàn giao công trình.
Tuy nhiên thời điểm đó mới chỉ trả được gần một nửa số nợ thì quy định mới của Bộ GD-ÐT về thu chi của ban đại diện ra đời, trong đó không cho phép huy động phụ huynh đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, việc thu tiền trả nợ đành tạm ngưng”.
Năm học 2014-2015, để giải quyết khoản nợ tồn của ban đại diện cũ, ban đại diện cha mẹ HS đương nhiệm của trường đã xin ý kiến cha mẹ HS về việc đóng góp để trả khoản nợ tồn nói trên. Ða số phụ huynh đóng góp ở mức 100.000 đồng/người.
Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường cho biết nhiều phụ huynh bức xúc và kiên quyết không tham gia đợt huy động này với lý do “đây là trách nhiệm của ban đại diện cũ” hay “công trình này phải xin ngân sách nhà nước để trả, sao lại xin phụ huynh”...
Có lớp 100% phụ huynh phản ứng và không đóng khoản “trả nợ” này.
Sau nhiều năm sử dụng, công trình nhà vệ sinh đã có những dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn phải đóng tiền để trả nợ cũ, thay vì đóng góp để nâng cấp công trình này.
Ban đại diện cha mẹ HS đương nhiệm của trường cũng cho biết đây là “kinh nghiệm xương máu” cho nhà trường cũng như các ban đại diện của những trường học khác: nếu thực hiện công trình lớn, cần chia công trình thành từng hạng mục, huy động phụ huynh đóng góp được bao nhiêu làm bấy nhiêu, khi phụ huynh đóng góp thêm thì triển khai hạng mục tiếp theo, tức “liệu cơm gắp mắm”.