Một người vợ liệt sỹ bị con ngược đãi

caonguyen |

(Soha.vn) - Những lần bà ốm nặng, ngã gãy chân tay, đi mổ mắt, cả gia đình nhà con trai đều không một lần qua thăm hỏi…

Một mình ở vậy thờ chồng nuôi con!

Người vợ, người mẹ có hoàn cảnh éo le đó tên đầy đủ là Phạm Thị Bính, SN 1925, tại xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ, dột nát, với đôi mắt ngấn lệ bà Bính kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy rẫy gian truân của mình: “Lập gia đình khi mới bước qua tuổi đôi mươi, bà không được sống cuộc sống mơ mộng như những người con gái khác cùng trang lứa. Thế rồi, hạnh phúc vợ chồng chưa được bao lâu, chiến tranh bùng nổ, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc chồng bà lên đường nhập ngũ, bỏ lại quê nhà người vợ trẻ khi đó đã mang trong mình giọt máu của anh.

Chồng nam, vợ bắc, bà Bính bắt đầu sống chung với những ngày tháng dài dằng dặc trong đợi chờ, nhung nhớ, khó khăn và vất vả. Những lần chồng bà được nghỉ phép về thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ khỏa lấp được sự trống vắng trong lòng bà. Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến một ngày, cái tin như sét đánh ngang tai rằng chồng bà đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại mặt trận phía nam. Thời điểm đó, bà như chết lặng khi người đồng đội của chồng bà mang theo giấy báo tử cùng những kỉ vật về tận quê nhà Bắc Giang để thông báo.

Một người vợ liệt sỹ bị con ngược đãi 1

Bà Bính vẫn đang phải sống cuộc sống bị con cái xem như người dưng nước lã trong căn nhà lụp xụp.

Sau một thời gian dài suy sụp vì sự ra đi của người chồng, nhờ sự động viên, chia sẻ của những người thân, nhất là mỗi khi nhìn thấy đứa con trai bé bỏng của mình bi bô tập nói, hai tiếng “ba…ba” được phát ra từ miệng đứa con thơ càng khiến cho bà Bính đớn đau hơn gấp bội. Gạt đi dòng nước mắt thương đau, bà Bính phải gượng dậy để sống và nuôi dưỡng đứa con trai khôn lớn thành người.

Khoảng thời gian đó thực sự là quãng đời khổ đau, vất vả. Bằng sự yêu thương, dạy dỗ của bà người con trai bé bỏng ngày nào đã khôn lớn trưởng thành. Do thuộc diện con liệt sỹ nên anh Lạng (con trai bà Bính) được cử đi học tại Ba Lan. Sau những năm tháng học tập xa nhà, năm 1972 anh Lạng trở về nước rồi lập gia đình với chị Bùi Thị Thu, một giáo viên trường làng quê anh. Những tưởng từ đây, bà Bính sẽ được sống tuổi già trong sự vui vầy bên con cháu để có thể khỏa lấp đi được phần nào những tháng ngày gian truân trước đó, nhưng sự thật thì đau đớn đến nghẹn lòng. Bà bị chính vợ chồng người con trai ruột mà bà đã dành gần hết cuộc đời mình để nuôi dưỡng yêu thương đối xử một cách thậm tệ, bạc bẽo như người dưng nước lã.

Đền đáp công ơn mẹ già bằng sự vô ơn!

Khi hỏi về người con trai, bà Bính giọng như nghẹn lại vì đau đớn, bà nói trong nước mắt: “Từ khi nó yên bề gia thất, nghe lời vợ, Lạng hắt hủi mẹ già. Mấy chục năm qua, tôi sống chết thế nào vợ chồng nó cũng không quan tâm. Những lúc ốm đau, nghĩ càng tủi thân, có con cũng như không, chỉ biết khóc than cho số phận hẩm hiu của mình”.

Hiện tại cuộc sống của bà Bính hoàn toàn chỉ dựa vào số tiền 1 triệu đồng ít ỏi cho diện vợ liệt sĩ. Mới đây, từ tháng 5-2012 bà được trợ cấp thêm 180.000 nghìn đồng hàng tháng tiền người cao tuổi. Không những không làm tròn nghĩa vụ của một người con đối với mẹ già, anh Lạng còn nhiều lần tới nhà bà Bính phá phách.

Thậm chí, anh này còn đòi bán căn nhà hiện bà Bính đang ở, mặc dù quyền sở hữu vẫn thuộc về bà. Bà Bính tâm sự thêm: Có những lần bà ốm nặng, ngã gãy chân tay, đi mổ mắt, cả gia đình nhà con trai đều không một lần qua thăm hỏi. Ngay cả đứa cháu nội, trước đây một tay bà chăm sóc, bế bồng cũng quay lưng lại, đối xử với bà như người xa lạ. Có lần, do đi dong nhà hàng xóm nên về hơi muộn, người con trai đã khóa cửa cổng không cho bà vào nhà, khiến bà phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm.

Trong ngày cưới đứa cháu nội (tức con anh Lạng) bà Bính cũng không được mời. Nhưng vì quá thương yêu cháu, nên bà vẫn đến dự. Nhưng trước thái độ hắt hủi của cả gia đình người con trai, bà phải gạt đi dòng nước mắt mặn chát quay về.

Nhưng có lẽ đau đớn nhất là lần, anh Lạng trong quá trình chuyển hài cốt người cha quá cố về quê cũng không thông báo cho bà Bính một tiếng. Chỉ tới khi UBND xã mời bà lên dự lễ truy điệu danh dự dành cho người chồng quá cố, bà mới ngỡ ngàng, chua xót. Cầm nén nhang thắp lên bát hương cho người chồng quá cố mà lòng bà bỗng thấy quặn thắt.

Trước tình trạng cậu con trai thường xuyên quấy rối, chửi mắng, bà Bính đã báo cáo lên UBND xã. Ông Trần Phương Cương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà đã nhiều lần khuyên bảo anh Lạng, thế nhưng vụ việc vẫn không thể giải quyết được. Hội phụ nữ cũng nhiều lần đến nhà giảng giải, nhưng mỗi lần như vậy Lạng đều không hợp tác, còn xua đuổi.

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại bà Bính chỉ biết nhờ cậy người con nuôi là chị Mạc Thị Thu. Tuy không phải là máu mủ, ruột thịt nhưng chị Thu lại yêu thương, chăm sóc bà Bính như mẹ đẻ của mình. Tâm sự với chúng tôi chị Thu cho biết: “Tôi vốn mồ côi mẹ từ nhỏ, nên khi được bà Bính nhận làm con nuôi, tôi rất trân trọng, tự tận sâu đáy lòng luôn xem bà như bậc sinh thành ra mình. Hiện chị thu đã có cuộc sống ổn định, con cái đều trưởng thành, nên có nhiều thời gian ghé qua thăm hỏi, chăm sóc bà Bính mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Nhắc đến cô con gái nuôi, bà Bính xúc động nói: “May mà có đứa con gái nuôi đỡ đàn lúc ốm đau, bênh tật, không thì thân già này không biết bấu víu vào đâu”.

Thiết nghĩ, chính quyền sở tại cũng như các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những biện pháp hợp lý để giải quyết vụ việc trên.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại