Sau lần thoát chết cuối cùng vì bị cá kiếm đâu xuyên cổ đụng thần kinh, suốt 2 năm qua ngư dân Nguyễn Nhị (50 tuổi), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phải mang di chứng bại liệt tứ chi và ngày ngày phải tập đi như một đứa trẻ lên 1.
Không lâm nạn vì ‘hung thần”
Tuy nhiều lần lâm nạn nhưng lần thoát chết hi hữu đến khó tin nhất là bị cá kiếm tấn công đâm xuyên qua cổ xảy ra cách đây 2 năm. Cũng như trên cạn, dưới đại dương mênh mông cũng rất nhiều loài vật hung dữ đã cướp đi vô số mạng sống của ngư dân. Và với ngư dân lặn ở Quảng Ngãi, thì một trong số những con vật biển đáng sợ nhất khi hành nghề là cá mập trắng.
Với hàm răng sắc nhọn như hàng lưỡi dao dựng đứng tua tủa quanh miệng và cú táp thừa sức để tiện đứt đôi thân người. Vì vậy cá mập được ví là cọp biển và là kẻ thống trị của đại dương. Nhiều ngư dân đã từng đối diện và thoát chết từ loài vật này kể: Cá mập trắng dữ tợn và háo ăn vô cùng.
Cá cờ với cái mỏ dài như thanh kiếm sắc, loài suýt lấy mạng của ngư dân Nhị
Có lần chứng kiến nó “tợp” cả lốp xe ô tô trôi trên biển vào bụng. Khi phát hiện con mồi đang bơi, nó xông đến ngoặm một phát, sau đó lắc đầu thật mạnh để con mồi bị hàm răng cưa xét nát, sau đó mới nuốt vào bụng, cựu thợ lặn Nguyễn Tân (65 tuổi), ở Lý Sơn, cho biết. Một loài vật khác mà ngư dân cũng rất sợ khi chạm phải là đẳng kim, một trong số những loài rắn biển.
Tuy cùng họ hàng với các loại rắn trên cạn, thế nhưng nói về nọc độc thì ngay cả loại dữ dằn, gây khiếp đảm cho người dân trên bờ là hổ chúa, thì cũng "chẳng là gì" nếu so với đẻn, bởi lẻ nọc độc của đẻn mạnh gấp hơn cả vài chục lần. Vì vậy một khi đã bị đẻn kim cắn thì coi như cái chết cầm chắc trong tay.
Chưa hết, trong các rạng san hô đáy biển có loại chình hoa, tính khí rất hung hăng. Nó giống như loài trăn ở trên đất liền. Với thân hình dài, phản ứng mau lẹ, khi thò đầu ra gặp con mồi, chình bông đớp một phát lôi tuột vào hang. Với bộ răng sắc như dao và có sức mạnh hơn người, nếu thò tay mò cá mà gặp phải chình bông thì coi như xuôi tận mạng: Nhẹ thì đức lìa tay, còn không thì mất mạng...
Lại suýt chết vì loài “vô danh, tiểu tốt”
Thế nhưng suýt tước đi mạng sống của ngư dân Nhị không phải là một trong số những hung thần biển kể trên, mà lại là con vật tưởng chừng vô hại: Cá có miệng dài nhoằng mà người dân hay gọi là cá kiếm, hay cá cờ. Vào mùa đông, loại cá này thường bơi theo những cuộn sóng lớn. Nắm bắt được đặc điểm này nên ngư dân dựa vào đó mà thả lưới và bắt được rất nhiều.
Vì thế chuyện ngư dân Nhị suýt chết vì cá kiếm đâm làm nhiều người vô cùng bất ngờ và không thể tin được. Hôm đó, tại quần đảo Trường Sa, cũng như mọi lần anh Nhị ngậm dây hơi nhảy xuống nước cùng với các ngư dân khác để lặn bắt tôm, cá tại các hang, hốc đá. Khi đang bơi thì bỗng nhiên anh Nhị nhìn thấy một con cá kiếm lao đến như một mũi tên. Chưa kịp hiểu được ra chuyện gì thì bị chiếc mỏ dài của nó như mã tấu đâm thẳng vào cổ, xuyên thủng qua bên kia.
Đôi mắt hoa mắt, trời đất quay cuồng, anh Nhị ngã gục, chìm nhanh xuống đáy biển. Rất may những ngư dân đang lặn ở gần đó lao theo kéo lên sàn thuyền. Lên đến nơi, họ tìm cách và “nhổ” con cá côn đồ ra khỏi cổ anh Nhị. Một tiếng “sượt” thật dài, kèm theo đó máu bắn tung tóe theo mỏ cá được rút ra. Lúc đó không một ai biết rằng mỏ cá kiếm có một hàng răng cưa nhỏ.
Khi giật mỏ cá ra, họ đã vô tình “kéo cưa” trong cổ tui một một lần nữa, anh Nhị cười như mếu. Sau khi được đưa cấp tốc vào đảo Phan Vinh để cấp cứu. Qua kiểm tra, các bác sỹ ở đây cho biết: Vết thương tuy nhỏ nhưng đâm trúng chỗ hiểm vì vậy anh Nhị bị liệt tứ chi. Mai mốt về nhà phải luyện tập thường xuyên, thế nhưng hy vọng trở lại bình thường là rất nhỏ.
Sau 3 ngày hôn mê thì anh Nhị tỉnh lại. Thế nhưng mất cả tuần lễ, anh Nhị mới tạm đủ sức khỏe để đưa xuống tàu vào đất liền, tiếp tục điều trị. Đã hơn 2 năm trôi qua, hàng ngày người dân trong thôn thường gặp anh Nhị tập đi từng bước, với ước mơ một ngày nào đó sẽ bình phục và tiếp tục theo tàu ra khơi.