Gần 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về ngôi làng Hạ Lội (làng K130 ngày nay, xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn còn in sâu vào tâm trí của người dân nơi đây.
Trong cái ngày chiến tranh ác liệt ấy, người dân Hạ Lội đã dỡ nhà làm đường cho xe qua.
Hiện nay, những nhân chứng lịch sử ở ngôi làng K130 nhiều người đã mất. Một số ít người còn sống cũng đã ở tuổi xế chiều, nhưng mỗi lần nhắc lại những ngày tháng hào hùng ấy, ai nấy cũng hừng hực khí thế như vừa mới ngày hôm qua.
Cụ Phan Tiến Lự năm nay đã ngoài 85 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn còn minh mẫn và nhớ đến từng chi tiết diễn biến ngày hôm đó.
Cụ kể, những năm 1968, xã Tiến Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) là 1 trong những nơi hứng chịu nhiều bom đạn của giặc Mỹ nhất. Bởi giặc Mỹ muốn phá đường, phá cầu để chia cắt giao thông, hòng chặn đứng quân và dân ta chi viện vào miền Nam.
Chính vì thế, tuyến đường chính quốc lộ 1A đi qua xã Tiến Lộc lúc đó bị bom Mỹ phá nát. Các xe chi viện cho chiến trường miền Nam không thể đi qua đây.
Đuôi xà nhà của người dân làng K130 đã dỡ để làm đường cho xe đi qua.
Trước tình thế cấp bách này, phía tỉnh đã họp bàn cùng huyện và xã để mở một tuyến đường mới, tránh đường cũ bị phá cho xe qua. Sau khi tính toán, phương án được đề ra là mở ngay 1 con đường tránh mới đi qua làng Hạ Lội.
Ban đầu, phía lãnh đạo tỉnh, huyện cũng e ngại sẽ khó thực thi. Bởi nếu chấp nhận, người dân sẽ phải phá nhà để làm đường chạy qua.
Nhưng thật bất ngờ, đêm 13/8/1968, nắm được nhiệm vụ cấp bách và khẩn thiết đó, 100% người dân làng Hạ Lội đều đồng tình phá nhà làm đường cho xe qua.
Ánh mắt cụ Lự lại hừng hực khí thế mỗi lần nhắc đến chuyện dân làng dỡ nhà làm đường xe qua.
Hào khí người dân làng Hạ Lội dâng lên với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Không chỉ dỡ nhà làm đường, nhiều người còn hiến cả những cổ quan tài, những phần gỗ quý để lót làm đường.
Cứ như thế, chỉ trong vòng hơn 8 giờ đồng hồ, từ chập tối đến rạng sáng ngày hôm sau, 130 ngôi nhà của người dân làng Hà Lội đã được tự nguyện dỡ bỏ. Tuyến đường dài hơn 1km đi qua làng đã được hình thành với vật liệu là gỗ, cửa, gạch, ngói...
Con đường vận chuyển hàng hóa đi qua chính giữa làng Hạ Lội nay đã được xây dựng lại với những căn nhà mới khang trang.
“Tôi vẫn nhớ có cụ Đinh Thị Trí, tài sản còn lại duy nhất là cỗ quan tài cũng xin hiến để làm đường. Thế rồi, cả làng không ai tiếc, chỉ trong 1 đêm đã dỡ 130 ngôi nhà”, cụ Lự nhớ lại.
Khu vực cầu phà bắc qua sông Già đi xuyên làng Hạ Lội được xây dựng lên 1 khu miếu thờ để tưởng nhớ đến lịch sử hào hùng của cha ông.
Chính nhờ việc người dân làng Hạ Lội đã nhanh chóng dỡ nhà làm đường mà ngay ngày hôm sau, 130 chiếc xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đã qua được vùng đất này 1 cách an toàn và bí mật để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Sau lần dỡ nhà làm đường, làng Hạ Lội phải dịch chuyển sang 1 vùng đất mới để lập làng. Mãi dến năm 1971, người dân mới quay trở về làng cũ dựng nhà để ở.
Cổng vào làng K130 ngày nay.
Để ghi nhớ sự đóng góp vô cùng to lớn của người dân Hạ Lội với sự kiện dỡ 130 ngôi nhà làm đường, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng là K130. Năm 2006 làng K130 được công nhân là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cụ Lự đọc bài thơ do ông sáng tác về người dân Hạ Lội.