Chúng tôi tìm về xóm 5, xã Thanh Ngọc vào một ngày đầu năm mới, ngay sau khi Tết Nguyên đán kết thúc.
Nơi đây, bà Nguyễn Thị Bình đang sinh sống cùng 3 người con bị tâm thần mấy chục năm qua trong ngôi nhà ẩm thấp.
Không như những năm trước, năm nay, ngay sau tết, trời đã bắt đầu nắng nóng, oi bức. Cũng chính vì lý do này mà căn nhà bà Bình khi chúng tôi ghé thăm bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Đón chúng tôi, bà Bình rón rén bởi sợ làm đứa con gái điên dại giật mình, tỉnh giấc sẽ dậy quậy phá.
Gương mặt khắc khổ, giọng nói thều thào trong bộ quần áo xộc xệch, bà Bình tiếp chuyện chúng tôi khi mới lau dọn chỗ nằm của cô con gái lớn vừa đại tiện xong.
Người bị bệnh nặng nhất trong gia đình là bà Bình.
Nói về cuộc đời mình, bà Bình gói gọn trong 2 từ "bất hạnh". Bà lấy chồng khi vừa tròn đôi mươi. Sau ngày cưới, chồng bà lại phải xa vợ con để mưu sinh.
Một mình bà bầu bí rồi sinh nở, 4 đứa con của ông bà lần lượt ra đời là Lê Thị Phương (SN1975), Lê Thị Thức (SN 1979), Lê Thị Lĩnh (SN 1983) và Lê Văn Đình (SN 1985).
Cuộc sống của bà sẽ bình lặng như của bao người phụ nữ khác tại chốn quê này, nếu như không có chuỗi dài những biến động liên tiếp nhau.
Đầu tiên là sự ra đi của người chồng, người cha, người trụ cột chính của gia đình.
Sau nỗi đau mất chồng, bà Bình tự gắng gượng đứng lên để nuôi con, chờ ngày con trưởng thành. Ấy thế nhưng niềm hy vọng đó cứ tắt dần khi 3 trong 4 người con của bà lần lượt trở nên ngớ ngẩn rồi mất trí hẳn.
Không tin vào sự thật, không chấp nhận nỗi đau, bà Bình vay mượn đủ đường đưa các con đi thăm khám khắp nơi.
Thấy ai chỉ chỗ nào bà cũng đưa các con đi, rồi đến đền cha, miếu mẹ để cúng bái nhưng bệnh tình của các con không những không khỏi mà ngày càng nặng thêm.
Mới đầu, khi mới chỉ 2 người con là Lê Thị Thức và Lê Thị Lĩnh phát bệnh, bà Bình đã đặt hết niềm tin vào cậu con trai út là Lê Văn Đình, nhưng sau đó niềm hy vọng ấy cũng bị dập tắt.
Người con trai út sợ sệt khi có người lạ ghé thăm.
Từ khi sinh ra, Đình phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng do hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 9, Đình phải nghỉ vào miền Nam làm thuê.
Thời gian đi làm, ngoài hỗ trợ mẹ tiền thuốc thang cho 2 chị, Đình còn tích góp tiền để mẹ xây lại căn nhà vững chắc hơn.
Đến năm 2007, sau khi bà Bình vay mượn thêm sửa sang ngôi nhà xong cũng là lúc Đình phát bệnh. Kể từ đây, cậu thanh niên đôi mươi nhanh nhẹn bỗng khù khờ, sợ tiếp xúc với người lạ.
Nuốt nước mắt vào trong và mặc kệ số nợ đã lên đến hàng chục triệu đồng, bà Bình tiếp tục vay mượn họ hàng, hàng xóm để đưa người con trai út đi chạy chữa nhưng rồi bệnh ngày càng nặng thêm.
Cậu con trai út giờ đây cũng như 2 chị gái, đến ăn cũng cần sự hỗ trợ từ người mẹ già.
Khi chúng tôi nhắc đến bệnh tình của chị Lĩnh, chị Thức và anh Đình, đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhô cao của mình, bà Bình cho hay: "Trong 3 người con điên dại thì cái Lĩnh là đứa bị bệnh nặng nhất.
Ngoài việc mất trí nhớ, khi lên cơn nó, sẵn sàng đánh đập mọi thứ vướng mắt. Đồ đạc trong nhà đều phải sử dụng đồ nhựa vì cứ mỗi lần lên cơn là nó ném đi không thương tiếc".
Chị Lê Thị Thức quanh quẩn nơi góc nhà.
“Tết năm nay, cái Lĩnh lên cơn mấy lần. Đồ đạc người ta cho để thờ cha, nó phát bệnh là đập phá hết. Hương đèn nó cũng ném ra sân.
Khổ hơn cả là cái Thức, tuy có tỉnh táo hơn em nhưng lại bị động kinh, cứ mỗi lần em lên cơn đánh đập là chị lại lăn ra sùi bọt mép nên nhiều lúc tôi phải ngồi lại oằn mình đỡ đòn cho con Thức.
Lưng tôi vẫn còn dấu vì bị đánh hồi tết đây. Tết họ thì con cái sum vầy, vui vẻ còn tôi tết đẫm nước mắt.
Bằng tuổi con mình, con người ta khôn ngoan đằng này…”, vừa nói bà Bình vừa quay lưng ra cho chúng tôi xem những vết thâm đen do chính con gái bà hành hung khi lên cơn.
Khi trời đã xế trưa, được chúng tôi hỏi trưa nay mấy mẹ con bà ăn gì, bà Bình vén áo lau giọt mồ hôi lấm tấm trên trán nói: “Có nắm rau dền tôi luộc lên đó với nấu thêm cơm để ăn thôi chứ nhà làm gì có tiền mà mua thức ăn hả anh chị.
Được mấy quả trứng gà đẻ thì phải để dành, tối đến luộc lên rồi nhét thuốc an thần vào cho 3 đứa ăn, để đêm nhỡ tôi có mệt mà ngủ quên thì chúng cũng thiếp đi không dậy bỏ đi đâu cả”.
Bà Bình thẫn thờ khi kể về những đứa con điên.
Được biết, hiện tại, mỗi tháng ba người con của bà Bình được nhận mỗi người 360 ngàn đồng từ khoản tiền trợ cấp của nhà nước.
Đây cũng là khoản tiền cứu sống 4 mẹ con bà những năm tháng qua. Bởi nhà có 4 miệng ăn mà chỉ có 2,2 sào ruộng, mỗi năm cũng chỉ làm được một vụ lúa.
Giờ đây, bà Bình ngày càng yếu đi trong khi bệnh tình của ba đứa con vẫn không thuyên giảm. Gạt nước mắt, bà Bình cho biết, bà trụ được đến hôm nay là được sự giúp sức của hàng xóm và xã hội.
“Tết năm nay, may có đoàn từ thiện đến, ngoài cho quà bánh, 6 người trong đoàn còn giúp tôi tắm cho 2 đứa Lĩnh và Đình. Cả năm trời rồi, chúng không động vào nước.
Vệ sinh tại chỗ, hôi thối bấn thỉu nhưng tôi tuổi già sức yếu chỉ dọn dẹp giường chõng khi chúng vắng nhà chứ không dám động vào người con vì sợ chúng đánh”, bà Bình chia sẻ thêm.
Rời căn nhà khi trời đã trưa, hình ảnh người mẹ già tội nghiệp ngồi bóc từng quả trứng rồi tách đôi cho thuốc an thần vào trong, giỗ dành những đứa con “không chịu lớn” ăn để khỏi phá phách khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Với cái tuổi 68 khi mọi bà mẹ có lẽ đã an hưởng tuổi già và bế cháu cho các con thì bà mẹ tội nghiệp này vẫn đang làm việc vất vả để kiếm đồng tiền mưu sinh cuộc sống và lo thuốc thang cho những đứa con tội nghiệp của mình.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Hoặc gửi trực tiếp: bà Nguyễn Thị Bình (xóm 5, xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An).
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.