“Tôi bị thoái hóa xương khớp. Hôm nay trở trời, nhức xương quá, đi không nổi nên sáng tới giờ mới bán được 6 tờ thôi, ráng bán thêm tí nữa cho đủ tiền ăn trưa không thì em nó đói”, giọng bà buồn rầu.
Tay run run đẩy đứa con trai tật nguyền ngồi trên xe lăn mời khách, bà rớt nước mắt khi kể về gia cảnh của mình. Bà là con thứ hai trong gia đình nghèo có sáu chị em. Nhà nghèo nên bà không được học hành.
Năm lên 8 tuổi, bà đã phải vào Đà Nẵng đi ở đợ. Mãi đến năm 42 tuổi, bà mới trở lại Huế. Khát khao làm mẹ đã thôi thúc bà kiếm một đứa con. Vậy là, năm 1985, cậu con trai tên Minh cất tiếng khóc chào đời trong giọt nước mắt hạnh phúc của người phụ nữ khát khao làm mẹ này.
Hai năm nay, bà Mầu đẩy con trai tật nguyền ngồi trên xe lăn bán vé số mưu sinh
Nghiệt ngã thay, đứa con trai sinh ra bị liệt toàn thân, chân tay co quắp. Theo chuẩn đoán là do di chứng chất đôc màu da cam di truyền từ người bố mà Minh chưa hề biết mặt. Không biết nương tựa vào đâu, bà đành bồng con về nương nhờ cha mẹ. Bà làm đủ nghề, từ gánh nước thuê, giặt thuê, bứt đót cho đến đốn củi bán để có tiền nuôi con.
Bà Mầu đẩy con trai ngồi trên xe lăn lên trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) bán vé số mưu sinh
Khi Minh mới tròn bốn tháng tuổi, bà phải bồng con sống cảnh ăn nhờ ở đậu nhà chị họ ở phường Phú Hiệp (TP Huế). Suốt 22 năm ròng rã, bà cùng đứa con trai tật nguyền ngồi khép nép ở một góc nhỏ tại chợ Đông Ba bán trầu cau mưu sinh.
Đến khi Ban quản lí chợ dẹp nạn bán hàng rong, bà mất chỗ nên hai năm nay bà đổi sang nghề bán vé số. Cũng từ đó, bà về lại thôn Trúc Lâm trú ngụ trong căn lều dột nát được che bằng những tấm bạt rách. Căn lều là khoảng hở giữa hai bức tường nhà đứa cháu ruột với nhà hàng xóm, chỉ rộng 4.8m2.
Bà Mầu được người dân giúp đỡ khi đẩy con trai tật nguyền lên vỉa hè bán vé số
Từ 4h sáng, bà đã thức dậy, bật đèn pin, đẩy Minh vượt chặng đường dài hơn 9km, về tới đại lí vé số ở chợ Đông Ba đã gần 7h. Nhận vé xong, bà tiếp tục đẩy Minh rong ruổi khắp các ngõ ngách của thành phố bán vé số mưu sinh.
Gần 3h chiều, sau khi trả vé bà lại đẩy Minh trở về nhà thì chương trình phim truyện 6h chiều cũng bắt đầu. Những bữa cơm rau dưa hai mẹ con bà nuốt vội trên hè phố. Với số tiền lời 1.000 đồng/tờ vé số, mỗi ngày mẹ con bà chỉ kiếm được 30.000 đến 35.000 đồng, ngày nào “trúng số” thì được 45.000 đến 50.000 đồng lo tiền ăn và thuốc men cho hai mẹ con.
Hai năm nay, mẹ con bà Mầu mưu sinh bằng nghề bán vé
Nhìn đứa con tật nguyền nói ú ớ không rõ lời, những giọt nước mắt hiếm hoi của bà lại ứa ra. Bà nói rằng, mỗi khi xem ti vi thấy những người tật nguyền như mình là Minh la khóc gê lắm, giống như có một sự đồng cảm nào đó.
Bữa cơm trưa vội vã trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) của hai mẹ con bà Mầu
Mỗi ngày đi bán vé, bà phải mang theo ba bốn bộ quần áo, khăn, chai nhựa để Minh đi vệ sinh và đem theo cả xà phòng để giặt rửa. 28 năm nay qua, bà chăm sóc Minh như chăm sóc một đứa trẻ mới lọt lòng.
Ngày tết, bà không dám sắm sửa gì nhiều ngoài một ít hoa quả với nén nhang thắp lên bàn thờ ông bà. “Bòn ngày nắng để dành ngày mưa có tiền lo cái ăn cho con chứ mua sắm chi nhiều” – Bà thủ thỉ.
Hai năm nay, mẹ con bà Mầu cư ngụ trong căn lều nằm giữa hai bức tường nhà chỉ rộng 4.8m2
Ở tuổi gần đất xa trời, điều bà Mầu lo nhất bây giờ là lỡ bà chết, đứa con tật nguyền sẽ không còn nơi nương tựa, không ai chăm sóc, lo lắng cho con.