Câu chuyện về cuộc đời thiệt thòi với nhiều mất mát nhưng chan chứa tình cảm của cô đã sống trong lòng mỗi người dân của làng tôi qua bao thế hệ.
Làm vợ được 3 ngày
Cô Hạ (50 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) sinh ra trong một gia đình khá giả từ thời làng tôi còn bao trùm cái không khí ảm đạm của những bữa khoai thay cơm. Nhưng cái tính chăm chỉ làm lụng của cô gái chân phương, hiền lành, nết na không vì thế mà mất đi.
Lúc cô mười tám, đôi mươi không biết bao chàng trai trong làng, ngoài xóm ngỏ ý kết duyên cùng cô. Cô đẹp, nét đẹp của cả dung mạo lẫn tính nết. Nhưng cô chỉ rung động trước chàng thanh niên tên Phong hiền lành, chất phác và quyết theo anh về làm dâu trong gia đình nghèo và đông con.
Họ gặp nhau trong những lần làm thủy lợi cho ruộng đồng. Chú Phong không một lời tán tỉnh nhưng chỉ nhìn vào mắt thôi, họ biết họ thuộc về nhau. Chồng cô là con cả trong gia đình có 6 người con, cô về đưa cả tấm vai gầy cùng chồng gánh vác công việc đồng áng và chăm lo cho các em.
Đám cưới diễn ra đơn giản trong không khí đầm ấm của họ hàng, làng xóm. Đôi uyên ương ngập tràn hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu, chỉ vỏn vẹn đúng 3 ngày. Trong không khí sôi sục lòng yêu nước, khát khao hòa bình, chú Phong cùng bao chàng trai thời đó lên đường đi bộ đội.
Ngày từ biệt mẹ và vợ để lên đường, chú hẹn rằng sẽ trở về và nợ 2 người trách nhiệm làm con, làm chồng. Cô động viên chú yên tâm chiến đấu, vì ở nhà cô sẽ chờ đợi ngày chú trở về để vẽ tiếp tương lai còn dang dở.
Từ đấy, cô Hạ cáng đáng công việc nặng nề gấp đôi. Mẹ chồng cô – bà Phong, thương con dâu làm lụng vất vả lại thiếu sự quan tâm của người chồng, nên bà dành cho cô một tình cảm như tình cảm dành cho con đẻ. Chỉ tối đến, người vợ trẻ ấy mới dám khóc vì nhớ chồng một mình vì sợ mẹ chồng lo lắng.
Cô Hạ cứ vậy sống với gia đình chồng, trên thuận dưới hòa làm bà Phong không khỏi cảm kích người con dâu hiếu thuận và chăm chỉ.
Rồi tin dữ ập đến gia đình cô, chú Phong hy sinh. Bà Phong khóc xót con đến ngất lịm. Còn cô suốt ngày bần thần như người mất hồn, cô không tin nổi chú đã bỏ cô ra đi khi chưa kịp cho cô một đứa con để bớt cô quạnh.
Đau khổ từng nào thì cô lại thương mẹ chồng từng ấy, bà đã suy giảm sức khỏe đáng kể từ khi nghe tin của con trai. Cô nén lại nỗi đau, đứng dậy tiếp tục chăm sóc gia đình. Cô biết rằng lúc này, cô mà gục ngã nữa thì cả nhà sẽ không đứng vững nổi. Mấy đứa em còn nhỏ, chưa tự lập được, mẹ chồng bắt đầu yếu đi, cô phải vững vàng làm chỗ dựa cho gia đình.
Bà Phong được con dâu an ủi, bên cạnh chăm lo mỗi ngày nên dần dần cũng vơi bớt nỗi đau. Nhưng có ai biết, nửa đêm tỉnh giấc, bà vẫn rón rén đến bàn thờ con trai trách móc sao nỡ bỏ vợ sớm mà đi, rồi lại cầu mong con phù hộ cho đứa con dâu đáng thương của bà. Tối đến nhìn con dâu một mình lủi thủi vào buồng nằm, bà không khỏi xót xa, đau đớn.
Ngày xưa cô Hạ đã từ chối những gia đình khá giả để đến với con trai bà bằng tình yêu và sự cảm thông sâu sắc. Thế mà giờ đây, về làm dâu trong nhà bà, cô lại không có một hạnh phúc trọn vẹn. Cô chỉ làm vợ được 3 ngày nhưng cô sẽ làm dâu của bà suốt quãng đời còn lại.
Từ ngày chú Phong hy sinh, bà đã coi cô Hạ như con gái của mình. Bà không muốn chôn vùi hạnh phúc của con trong sự cô đơn cả đời. Cô còn trẻ, vẫn xuân sắc như thuở còn son rỗi. Điều đó làm bà càng day dứt và đau đớn, con dâu bà đã chịu thiệt thòi quá lớn.
Mẹ chồng tìm chồng cho con dâu
Suy nghĩ sẽ tìm cho con một mái ấm trọn vẹn đã nhen nhóm trong bà từ ngày giỗ đầu của con trai. Bà tâm sự nỗi lòng đó với cô Hạ. Nhưng cô một mực muốn làm con dâu bà, muốn thay chú làm tròn bổn phận với mẹ già, thay chú làm người chị cả của các em còn nhỏ dại.
Cô kể rằng, hôm đó bà đã ôm cô vào lòng và nói: “Con là con của mẹ, dù đi đâu mẹ vẫn nhớ là có một người con dâu hiếu thuận như con. Nhưng nếu con thật lòng thương mẹ, nếu con muốn thằng Phong nhắm mắt dưới suối vàng thì con hãy sống thật hạnh phúc. Mẹ muốn thấy con được làm vợ, làm mẹ một cách đúng nghĩa”.
Những lời của mẹ chồng làm cô khóc như một đứa trẻ lên ba vậy. Kể cho tôi nghe câu chuyện đến đây mà mắt cô vẫn long lanh ngấn nước. Tôi phần nào hiểu được tình nghĩa sâu nặng của cô và bà.
Tình cảm mẹ chồng con dâu tốt đẹp từ xưa đến nay và những lời nói chân thành của mẹ chồng khiến cô Hạ cũng gật đầu. Bản thân cô cũng tự nhận thấy mình còn trẻ, lại chưa có con. Cô khao khát được làm mẹ. Vì thế, cô đồng ý làm theo lời mẹ chồng. Nhưng cô xin được ở lại thêm một vài năm để chịu hết tang chồng và lo cho đứa em trai thứ 2 nên cửa nên nhà, đồng thời có cô con dâu mới về phụng dưỡng mẹ thì mới yên tâm bước đi bước nữa.
Bà Phong nghe con dâu nói vậy rất cảm động và chấp thuận suy nghĩ thấu tình đạt lý của cô. Bà thắp hương khấn con trai, xin con ở suối vàng phù hộ cho người vợ trẻ tìm được một bờ vai vững chãi để nương tựa suốt quãng đời còn lại. Từ đó, một mình bà Phong âm thầm để ý các “mối” để tìm chồng cho con dâu của mình, bởi bà biết chẳng đời nào cô Hạ lại dám chủ động làm cái việc đó.
Thấm thoắt, 3 năm cũng trôi qua, nhà đã “xả tang” cho chú Phong và đứa em trai cận kề cũng chuẩn bị lễ ăn hỏi với một cô gái trong làng. Cô lại tất bật trong đám cưới của em chồng.
Trong buổi cơm tối sau đám cưới của đứa con thứ 2, bà Phong mới đưa ý kiến của mình về việc muốn tìm hạnh phúc mới cho con dâu cả ra để bàn bạc với cả gia đình. Cả nhà ai nấy đều đồng ý và ủng hộ, vì ai cũng thương cô, cũng biết ơn sự hy sinh bấy lâu của cô cho gia đình chồng.
Người mà bà Phong để ý nhằm “chấm” cho con dâu mình là chú Đức – một thương binh trở về từ chiến trường. Chú Đức ngày xưa cũng đã từng thương thầm nhớ trộm cô Hạ. Nay trở về làng nghe được câu chuyện, chú càng ngưỡng mộ người đàn bà chịu thương chịu khó ấy gấp cả ngàn lần.
Chú tìm đến nhà chồng cô Hạ như một chàng trai đi hỏi vợ vậy. Mẹ chồng cô đã thu xếp cho hai người được tâm sự cuộc sống với nhau. Sau ít tháng làm quen, tìm hiểu lẫn nhau thì hai người cũng nên duyên vợ chồng.
Đám cưới của cô chú thật đặc biệt vì xuất hiện cả 3 họ hàng: bên nội, bên ngoại, và cả bên nhà chồng cũ. Đám cưới nhỏ gọn và ấm cúng. Chú Đức đã thắp nén nhang lên bàn thờ chú Phong và hứa rằng sẽ chăm sóc cô Hạ thật chu đáo. Cuộc vui ấy có nhiều tiếng cười xen lẫn cả những giọt nước mắt cảm động về tình cảm của cô chú, tình mẹ chồng – nàng dâu thật cao đẹp.
Từ ngày làm vợ của chú Đức, cô Hạ vẫn làm tròn bổn phận con dâu của cả 2 nhà. Cả 2 bà mẹ chồng đều hết mực yêu thương cô con dâu thảo hiền. Rồi 3 người con lần lượt ra đời trong sự hân hoan của mọi người. Còn chú Đức trở về từ chiến trường với những vết thương đau đớn cả da thịt khiến chú suy giảm sức khỏe nhanh chóng.
Một mình cô lại cáng đáng việc nhà chồng và chăm sóc chồng không kể ngày đêm. Có những đêm trái gió trở trời, cô thức trắng để xoa dịu nỗi đau thể xác cho chú. Bà Phong ngày ngày vẫn tranh thủ đến trông cháu cho cô để cô tiện thuốc thang cho chồng.
Năm con trai lớn của cô được 15 tuổi thì chú Đức đổ bệnh nặng, không đi lại được. Cô lại tất bật chạy tới chạy lui giữa bệnh viện và nhà để lo cho chồng, cho con. Cô kể rằng ngày nào cô và mẹ chồng lên viện chăm sóc chú Đức thì ở nhà bà Phong đến đỡ đần cô chăm sóc nhà cửa, vườn tược và các cháu.
Cuộc đời cô “hồng nhan mà bạc mệnh”, chú Đức sau 2 năm chống chọi với bệnh tật cũng bỏ mẹ con cô để ra đi. Cô khóc hết nước mắt vì nỗi đau mất người chồng đã gắn bó gần 20 năm với cô - một người đàn ông đã bao dung dang tay che chở cho cô khi cuộc hôn nhân đầu tiên dang dở. Cô nói rằng:
“Lúc đớn đau nhất, mẹ vẫn ở bên giúp cô đừng dậy lo lắng tiếp cho 3 đứa con còn nhỏ dại”. Nhưng cũng may mắn vì chú đã kịp để lại cho cô một tài sản quý giá đó là những đứa con.
Chuyện bà Phong tìm chồng cho con dâu cách đây cũng đã lâu lắm rồi nhưng bây giờ xóm làng vẫn kể cho biết bao thế hệ để nêu tấm gương về bổn phận làm dâu cho những cô dâu ngày nay. Đến nay cô Hạ tuy đã bắt đầu vào độ tuổi 50, và bà Phong cũng bước sang tuổi 90 nhưng họ vẫn xưng “mẹ - con” như ngày nào.
Con của cô nay cũng đã trưởng thành, vẫn xem bà Phong như người bà đáng kính của mình. Giờ cô đang sống hạnh phúc cạnh những người con hiếu thuận. Gương mặt cô còn đó những vết nhăn của tuổi tác, của sóng gió cuộc đời nhưng ánh mắt lại hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.
Cô tâm sự rằng: “Đời cô có 3 người mẹ vô cùng tuyệt vời. Đặc biệt là mẹ Phong đã yêu thương, che chở cho cô. Nhìn lại những gì mình đang có, cô thầm cảm ơn mẹ. Vì mẹ đã tạo nên một cuộc sống mới cho cô với 3 đứa con quý giá. Người ta cứ bảo cô thiệt thòi, nhưng cô may mắn đó chứ cháu”.
Theo Trà Ngân
PNTD