Ngôi nhà chung của trẻ có H
Những ngày cuối năm 2012, trong cái giá rét của mùa đông, chúng tôi đã tìm đến trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 ở xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội ( Trực thuộc Sở Lao động – Thương binh Xã Hội thành phố Hà Nội).
Trung tâm này được thành lập từ năm 1992 với nhiệm vụ quản lý gái mại dâm và người nghiện ma túy. Tuy nhiên, đến nay trung tâm đã nhận chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV.
Hiện tại trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc 79 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS đến từ nhiều vùng đất khác nhau và có hoàn cảnh đặc biệt như: không còn bố mẹ, bị bỏ rơi ở cổng trung tâm, tại bệnh viện...
Những "thiên thần" này đã không may mang trong mình căn bệnh thế kỉ HIV
Các em ở đây sinh hoạt theo hình thức gia đình và chia làm 5 nhà: 1 nhà sơ sinh nuôi trẻ dưới 2 tuổi, hiện nay đang có 10 trẻ được chăm sóc ở đây. Các trẻ còn lại được chia thành 4 nhà: 2 nhà nam, 2 nhà nữ. Mỗi nhà được các bé đặt tên riêng theo ý thích như: nhà Bồ câu, nhà Hoa mai, nhà Thỏ đế, nhà Bí ngô.
Cuộc sống của các em tại đây cũng giống như các trẻ em khác, nhưng có một điểm khác là các em phải uống thuốc ARV để điều trị căn bệnh quái ác này.
Tại trung tâm, hiện có 22 mẹ nuôi, 17 cán bộ y tế, chăm sóc, giáo dục...Các mẹ nuôi làm việc ở đây một cách tự nguyện, có một số mẹ cũng có quá khứ lầm lỡ như: mại dâm, nghiện ma túy.
Các cán bộ, nhân viên của trung tâm vừa đóng vai trò của những người bố, người mẹ vừa là người dạy cái chữ, cái nết cho các em.
Để các em tiếp cận dần với xã hội, hòa nhập cộng đồng, tránh những trường hợp bị sang chấn từ bên ngoài thì ngay từ khi các em còn nhỏ, cán bộ đã tư vấn về tâm lý, trang bị các kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, cách để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ những người khác. Đặc biệt là nhận thức được tầm quan trọng của việc uống thuốc hằng ngày.
Về việc học hành, trung tâm gặp khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền nhận thức để cho trẻ hòa nhập. Đến nay, về cơ bản, trẻ cấp 2 đã có những hướng đi tích cực, các em được đến trường học tuy vẫn phải học khác lớp với trẻ bình thường.
Đối với trẻ cấp 1, các em học tại trung tâm nhưng vẫn theo quân số của trường tiểu học Yên Bài B. Thứ 2 hằng tuần các em vẫn đến trường chào cờ và tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường .
Các mẹ nuôi chăm sóc cho bé
Anh Vũ Minh Nam (phó phòng Quản lý giáo dục của Trung tâm) chia sẻ: “ Khi đi học, các em rất hồn nhiên, ngây thơ, hòa đồng, không có sự phân biệt, về vấn đề phụ huynh thì hiện nay trung tâm chưa gặp những phản ứng gay gắt nào.
Nhiều em ở trung tâm ra trường học có nhiều bạn ngưỡng mộ vì các em tham gia hoạt động phong trào tốt, các em múa đẹp, hát hay nên có rất nhiều bạn yêu quý.”
Đối với học sinh cấp 1, trường tiểu học Yên Bài B cử giáo viên đến trực tiếp giảng dạy. Mỗi lớp học có 1 giáo viên đứng chính và 1 cán bộ trung tâm phụ giảng.
Những mơ ước của các “thiên thần” nhỏ
Chị Đinh Thị Thủy (giáo viên trường tiểu học Yên Bài B) tâm sự: “Điều khiến mình hài lòng nhất về các học trò ở trung tâm này là các cháu rất ngây ngô, ngộ nghĩnh, chăm học và nhất là rất tình cảm . Chính điều này khiến mình thấy các con khác hẳn với học sinh ở ngoài trường.
Học sinh ở ngoài trường thì ít dám đến gần, âu yếm cô, giữa cô và trò như là có khoảng cách. Còn các con ở đây thì coi cô như người mẹ vì các con thiếu thốn tình cảm.
Mình cũng biết là giảng dạy ở đây không những là dạy chữ, những điều trên lý thuyết, trong sách vở mà còn dạy các con điều hay, lẽ phải, kỹ năng sống, cách nói năng, đi đứng…”.
Các em ở trung tâm Giáo dục lao động số 2 này đều rất vô tư và trong sáng. Nhìn những gương mặt đang tuổi lớn, bé nào cũng trắng trẻo, xinh tươi nhưng không ai biết được đằng sau những khuôn mặt đó là một số phận, một hoàn cảnh khiến ta chua xót.
Bé Chu Phương Anh, sinh năm 2001, hiện tại đang học lớp 4. Vào trung tâm từ năm 2008, cô bé có làn da trắng và nụ cười rạng rỡ khiến ai cũng có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em ngập ngừng kể: “Mẹ bảo em đứng ở đó rồi một lát mẹ quay lại, nhưng em chờ mãi vẫn chẳng thấy mẹ đâu. Rồi có một người đưa em vào đây” .
Bé Phạm Thị Tính 8 tuổi, có biệt danh là Cà Rốt bộc lộ “Con vào đây từ năm 2011, nhà con ở Thanh Hóa, xa lắm, bây giờ con cũng không biết đường về nhà nữa. Một hôm con đi học về, có chú nhà báo đưa tin là con bị bệnh HIV, bác sỹ nói nên đưa con vào đây. Cô giáo không cho con học chung với các bạn nữa, mẹ con mất rồi, chỉ còn bố thôi. Con mong đến Tết để được bố đón về thăm ông bà”.
Mỗi em lại có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau. Bé Nguyễn Ngọc Ngân (7 tuổi) lại bị mất bố, mẹ đi lấy chồng, em được chuyển vào đây cho các cán bộ chăm sóc. Đôi mắt đen láy, to tròn chưa hiểu rõ cuộc đời nhưng hơn ai hết, em rất yêu quý cô giáo Thủy của mình.
Tuy phải điều trị bằng thuốc ARV – một loại thuốc kháng virus có rất nhiều độc tính, gây tác dụng phụ làm các bé hay quên, khó tiếp thu kiến thức nhưng hầu hết các em đều đều nhớ tới gia đình của mình. Sống chung với căn bệnh quái ác, các em vẫn mang trong mình những ước mơ, những hy vọng về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp .
Trong buổi trò chuyện với phóng viên, các bé ở đây đều hết sức nhanh nhẹn và vui vẻ bày tỏ những ước mơ của mình. “Con múa Ấn Độ được đấy, nhưng con không nhớ được nhiều động tác. Con ước mơ đến nữa có thể trình diễn thời trang, tự kiếm tiền để mua những bộ quần áo màu đỏ và xám thật đẹp”, bé Nguyễn Thị Mơ 10 tuổi chia sẻ. Còn bé Lê Anh Thư 9 tuổi nhanh nhảu: “Con thích làm họa sỹ và đầu bếp”.
Thế nhưng vẫn biết rằng, những ước mơ kia không biết khi nào có thể trở thành hiện thực khi các em đã mang trong mình căn bệnh quái ác kia. Chỉ biết rằng những tấm lòng với những tình thương bao la của những người mẹ, người thầy đang ngày đêm giúp các em có được những giây phút vui vẻ, đầm ấm như trong gia đình của mình.