Lương 15 còn kêu, sinh viên chỉ có 1,5 triệu/tháng thôi

kimngan |

(Soha.vn) - Lạm phát tăng cao kéo theo giá cả các loại mặt hàng, dịch vụ tăng theo đang cộng dồn nhiều nỗi lo cho sinh viên.

Đấu với giá

Theo thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng10/2012 tăng thấp dưới 1% nhưng ghi nhận của Tổng cục Thống kê ở 3 nhóm có nhiều biến động giá nhất, CPI từng nhóm vẫn tăng rất cao là Y tế, Giáo dục và Vật liệu xây dựng.Đáng chú ý là dịch vụ y tế tăng đột biến với 7,78% và dịch vụ giáo dục tăng 2,1%.Giá xăng dầu tăng khiến giá các dịch vụ công cộng cũng tăng lên đáng kể. Giá vé xe buýt tháng 10/2012 đã thay đổi, vé lượt tăng từ 3000 đồng lên 5000 đồng (cự ly tuyến dưới 25km), giá vé tháng liên tuyến dành cho học sinh, sinh viên tăng từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền trở nên thật nặng nề đối với sinh viên, nhất là các bạn sinh viên tỉnh lẻ.

Bạn Nguyễn Thị Thủy (sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường) trước khi đi chợ luôn phải tính toán sẽ mua gì để vừa rẻ, vừa… đủ no.

Thủy trình bày:“Mình trọ với một đứa bạn cùng quê, gia đình đều làm nông nên số tiền bố mẹ lo cho hàng tháng không dư giả gì. Một triệu rưỡi mà phải chi cho đủ loại phí: tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt… Đấy là mình đã cố gắng thuê nhà xa trường cho rẻ đấy, chứ thuê trên Cầu Giấy thì tiền ấy chỉ đủ trả tiền phòng”.

Bữa cơm chủ yếu là rau dưa, đậu phụ hoặc trứng rán. Thịt trở thành món xa xỉ, lâu lâu mới dám ăn cải thiện. “Mình tính mỗi ngày chỉ chi cho ăn uống khoảng 20 - 25 nghìn thôi. Nhiều khi nhịn ăn sáng cho tiết kiệm, không ăn lâu rồi cũng thành quen”, Thủy lẩm bẩm tính toán.

Lương 15 còn kêu, sinh viên chỉ có 1,5 triệu/tháng thôi 1
Sinh viên "đấu" với bão giá bằng cách cắt giảm chi tiêu, làm thêm (ảnh Huyền Trang).

Mạnh Hà sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì xót xa: “Tiền gì cũng tăng, cái tăng ít cái tăng nhiều.Giá bán ở căng tin cũng tăng, mà tiền chu cấp của bố mẹ hàng tháng có tăng đâu, cái gì thật cần thiết mới dám mua.

Còn giá vé tàu mỗi lần về quê tăng ghê lắm. Mình ở Lào Cai, trước đây mình hay mua vé nằm đi cho đỡ mệt, nhưng giờ chỉ dám mua vé ngồi, không thì làm gì có tiền mà tiêu”.

Không chỉ bữa ăn, tiền tàu xe, tiền thuê nhà trọ cũng “tát nước”theo cơn bão giá của thị trường. Đó không chỉ là nỗi lo của sinh viên, mà còn là nỗi trăn trở của hầu hết các bậc phụ huynh có con học xa nhà.“Tôi tính sơ sơ, hai chị em học xong đại học thì cũng mất hơn trăm triệu tiền thuê phòng.” - một phụ huynh ở Bắc Giang có hai con đang theo học đại học ở Hà Nội chia sẻ.

Lo làm thêm

Để sống chung với bão giá, nhiều bạn sinh viên phải lo tìm kiếm công việc làm thêm mong trang trải được phần nào cuộc sống. Cuộc chiến với giá cả leo thang còn đau đầu hơn cả việc học hành. Nhiều bạn sinh viên mới đầu tháng đã hết tiền vì phải chi đủ thứ phí như: tiền phòng, điện nước, giá xăng, giá vé buýt… đều tăng chóng mặt.

Nguyễn Thị Linh (sinh viên lớp Báo mạng K29, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phải lăn lộn khắp nơi, tìm kiếm đề tài để cộng tác cho các báo, lo chi trả khoản nợ tháng trước: “Cứ tháng sau đập vào tháng trước, không biết bao giờ mình mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này”, Linh lo lắng.

Để cho con học đại học ngoài thành phố, không ít người phải phải lăn lộn kiếm thêm thu nhập bằng các nghề phụ: thủ công, làm thuê, phụ hồ,...hoặc vay tiền.

Còn sinh viên ở tỉnh lẻ cũng phải lo tính toán, chi tiêu hàng ngày, hàng tháng, tự thu xếp mọi công việc ăn ở sinh hoạt của bản thân. Vì vậy, khi giá cả tăng cao, bố mẹ không thể kham nổi hết các chi phí, ắt các bạn phải tự thân vận động. Việc học chưa xong lại phải lo kiếm tiền, đó là chưa kể thời gian dành cho công việc chiếm gần hết thời gian học tập.

Tuấn (sinh viên Cao đẳng Du Lịch) chia sẻ: “Mình học buổi sáng, đi làm thêm cho quán cà phê từ 3 giờ chiều đến tận 11 giờ đêm, ngót tám tiếng đồng hồ, lương hai triệu. Trưa học xong, về nhà ăn uống, chợp mắt tí lại phải đi làm. Tối về đã muộn, mệt nữa nên mình chẳng còn hơi sức đâu mà học”.

Lạm phát cao, giá cả cứ tăng và sinh viên cứ phải lo toan cuộc sống. Việc làm thêm có nhiều cái tốt đối với sinh viên như được trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống. Song, việc điều hòa giữa học và làm thêm sao cho có hiệu quả không phải là vấn đề đơn giản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại