“Lời khai của Dương Chí Dũng về người mật báo là có cơ sở”

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng) cho rằng, những lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa về việc có người mật báo để mình bỏ trốn là “có cơ sở”.

Tối 7.1, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng) cho rằng những lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa về việc có người mật báo để mình bỏ trốn là “có cơ sở”. Đồng thời, những lời khai này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ vụ án tổ chức trốn ra nước ngoài của Dương Tự Trọng và các bị cáo khác.

Theo luật sư Hưng, cuốn “sổ vạn niên” mà cơ quan điều tra thu giữ của ông Dũng có ghi chép đầy đủ quá trình từ trước và sau ngày chạy trốn của nhân chứng này (ngày 17.5.2012). Trong đó, Dương Chí Dũng đã ghi lại cụ thể việc gọi điện hỏi cán bộ công an về thông tin vụ án thế nào, quá trình chạy trốn ra sao…

Luật sư Hưng cho rằng, việc ông Dũng được mật báo chính là điểm khởi đầu của toàn bộ vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài của 7 bị cáo, trong đó có thân chủ của ông.

“VKS nhận định hành vi của Dương Tự Trọng và các bị cáo khác đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì cản trở việc xử lý vụ án tại Vinalines là không đúng. Chính dư luận cũng đang hiểu nhầm về chuyện này và trầm trọng hóa vụ án của Dương Tự Trọng lên. VKS cũng đề nghị mức án quá nặng đối với ông Trọng. Theo tôi, việc cản trở quá trình xử lý tại Vinalines phải là hành vi mật báo cho Dương Chí Dũng biết thông tin khởi tố khiến ông này bỏ trốn”, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Theo đó, ông Hưng cho rằng thân chủ của mình và các bị cáo khác chỉ đóng vai trò giúp sức vì trốn đi đâu đều do ông Dũng hoàn toàn chủ động. VKS cũng không thể gán ghép ông Trọng vào vai trò chủ mưu của vụ án được.

Luật sư Hưng cũng không đồng tình với kiến nghị của đại diện VKS về việc khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác để xử lý riêng rẽ với vụ án của Dương Tự Trọng. Luật sư đã kiến nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ người báo tin như lời khai của ông Dũng.

“Nếu xác định được có người báo tin cho Dương Chí Dũng thật thì phải gộp chung hai vụ án này lại với nhau. Việc cố ý làm lộ bí mật công tác và tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài là hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có chung một hậu quả. Quan trọng hơn là từ đó mới đánh giá đầy đủ được tính chất, mức độ từ hành vi phạm tội của cá bị cáo”, luật sư Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho rằng, thân chủ của mình không vô tội nhưng phải được tòa xem xét khách quan và công bằng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại