Lời kể thủy thủ thoát chết từ tàu Vinalines Queen

lananh |

Qua hai cuộc điện thoại ngắn ngủi, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (31 tuổi, Nghệ An) cho biết, tàu Vinalines Queen chìm rất nhanh kể từ khi mất kiểm soát.

Lời kể thủy thủ Đậu Ngọc Hùng

Chiều 30/12, sau khi nhận thông tin từ phía cơ quan tìm kiếm cứu nạn Đài Loan, Hong Kong, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải) đã xác định được danh tính thủy thủ may mắn được cứu là Đậu Ngọc Hùng. Qua hai cuộc điện thoại vệ tinh, Hùng cho biết lúc tàu có dấu hiệu chìm, tất cả thuyền viên đều mặc áo phao. Mỗi người đều được phân công nhiệm vụ trong tình huống xấu nhất là chìm tàu, trong đó Hùng được giao xách đồ và nước uống chuẩn bị xuống xuồng.

Tuy nhiên, con tàu đã chìm nhanh hơn dự tính của thủy thủ đoàn, không chiếc xuồng nào kịp hạ. Hùng may mắn bám vào chiếc phao bè được thả ra trước đó. "Em thoát ra từ phía mạn trái. Lúc em (nổi) lên thì sóng gió rất mạnh, em bám được vào phao bè, quan sát xung quanh thì không thấy ai cả", Hùng kể lại qua điện thoại.

Ông Nguyễn Anh Vũ bên tấm hải đồ xác định vị trí chìm tàu và vị trí cứu vớt thủy thủ Đậu Ngọc Hùng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Thủy thủ này cho biết thêm, trước lúc chìm, tàu đã chuyển hướng, nhắm vào phía bắc đảo Luzon (Philipines), dự tính cập vào một đảo gần tàu. Khi tàu gặp nạn vào khoảng 7h sáng, gió biển khoảng cấp 8, sóng cao, tàu nghiêng và lật úp lúc đang chạy với tốc độ hơn 6 hải lý một giờ.

Suốt 5-6 ngày trời trên biển, thủy thủ này dùng thức ăn khô có sẵn trên bè trước khi được tàu London Courage cứu vớt cách địa điểm tàu chìm chừng 350 km.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng đã bình tĩnh xử lý tình huống cũng như giữ được tinh thần rất tốt suốt thời gian dài lênh đênh trên biển cả.

"Lúc nghe trực tiếp giọng Hùng, cả Trung tâm bật khóc, có người khóc to như trẻ con. Cảm giác biết được một người sống sót thật khó tả", ông Vũ kể lại cảm giác hạnh phúc sau hơn 5 ngày liên tục tìm kiếm thủy thủ tàu Vinalines Queen.

Trước đó, trung tâm dồn dập nhận được các bản tin của phía Đài Loan, Hong Kong. Có lúc, tin báo về cho biết phát hiện được 4 người trên phao bè, song khi xác minh lại duy nhất một thủy thủ là Đậu Ngọc Hùng.

Vị Tổng giám đốc này cũng nhận định qua lời kể của Hùng, thời gian từ lúc tàu mất kiểm soát tới lúc chìm nghỉm rất nhanh, chỉ 10 phút.

Sau khi tìm được Hùng, Trung tâm tiếp tục liên hệ với các cơ quan tìm kiếm cứu nạn Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc để phối hợp. Trong đó, phía Đài Loan đã thông báo cử tàu ra rà soát tại khu vực tìm thấy Hùng. "Tối qua, chúng tôi đã liên hệ với gần 30 tàu hoạt động trong khu vực, 13 tàu cam kết sẽ giúp ta tìm kiếm các thủy thủ", ông Vũ cho biết.

Quy mô đợt tìm kiếm thủy thủ tàu Vinalines Queen được mở rộng lên tới hơn 40.000 km2. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Quy mô đợt tìm kiếm sẽ được mở rộng với diện tích lên tới 40.000 km2, tập trung vào phía tây địa điểm tàu chìm, tức là vùng biển nằm giữa đảo Luzon và Đài Loan. "Nếu Hùng đã sống sót sau 5-6 lênh đênh trên biển thì rất có thể vẫn còn những thủy thủ khác", ông Vũ nói.

Trước đó ngày 25/12, đang trên đường vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel từ Indonesia sang Trung Quốc, khi tới Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), Vinalines Queen thông báo bị nghiêng 18 độ rồi mất liên lạc cùng 23 thuyền viên. Ngày 29/12, sau 3 ngày dùng trực thăng tìm kiếm mà không tìm được dấu vết gì ngoài vệt dầu loang ở khu vực tàu Vinalines Queen mất tín hiệu, lực lượng cứu nạn của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan đã dừng công tác tìm kiếm.

Sự mất tích bí ẩn của Vinalines Queen, tàu hàng hiện đại và lớn thứ hai của Việt Nam đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Trong đó, các chuyên gia đều cho rằng, con tàu gần 6 vạn tấn này đã bị lật trong thời tiết sóng to gió lớn và quặng nikel ngậm nước, hóa lỏng làm tàu mất cân bằng.

Cuối năm 2010, chính tại vùng biển đông bắc Phillipines - phía nam Nhật Bản, chỉ trong hơn một tháng, 3 tàu chở quặng loại nikel mang tên Jan Fu Star, Nasco Diamond và Hong Wei lần lượt mất tích. Cả 3 tàu sau đó đều được xác định là bị lật và chìm trên biển, mang theo tính mạng của hơn 40 thủy thủ.

Trước đó trong năm 2009, ngành hàng hải cũng ghi nhận 2 vụ đắm khác liên quan đến các tàu chở quặng là Asian Forest và Black Rose tại Ấn Độ Dương.*

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại