Ký ức kinh hoàng của 2 thuyền viên trở về
Hơn 2 ngày lênh đênh ngoài biển khơi, 10 ngư dân chỉ bám trụ được vào tấm xốp, rồi thay nhau mặc 2 chiếc áo phao để cố gắng sống và cầu mong sẽ có người đến cứu. Nhưng rồi cuối cùng, chỉ còn 2 ngư dân may mắn được trở về với gia đình, trong niềm vui vỡ òa của người thân.
Ngư dân Hồ Vĩnh Lai bàng hoàng sau những gì đã xảy ra với anh.
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc con tàu “định mệnh” NA 90249 TS bị sóng dữ đánh chìm, anh Hồ Vĩnh Lai (SN 1978, ở xóm Hồng Phong, xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể: “Lúc đó là 5h sáng ngày 27/11, đang đánh cá thì tàu bị gãy chiếc sào. Sóng đánh đến làm chiếc tàu bắt đầu bị chìm dần. Mọi người đã cố gắng múc nước ra, rồi khẩn cấp gọi qua bộ đàm kêu cứu để các thuyền khác ở gần đến cứu giúp nhưng không được. Hơn 1 tiếng sau, con tàu chìm trong sự vô vọng của tất cả chúng tôi”.
Mặc dù lời kêu cứu đã được các ngư dân phát khẩn cấp phát qua bộ đàm nhưng các thuyền bạn ở quá xa, đã không thể đến cứu kịp thời. Tàu bắt đầu chìm, các ngư dân vội đưa chiếc phao xốp rộng gần 3m2, dày 1m xuống rồi tất cả cùng leo lên.
Anh Hà ôm các con trong sung sướng và hạnh phúc.
Do thời điểm gặp nạn, 10 ngư dân chỉ kịp mang theo 2 cái áo phao xuống biển nên mọi người phải chia nhau từng phút để mặc áo phao. Cứ khoảng mấy tiếng, áo phao lại được chuyền từ người này qua người khác. Thấy người nào bắt đầu đuối sức thì sẽ được nhường mắc áo phao, tránh bị rơi xuống biển khi sóng đánh vào.
Sóng biển ngày càng lớn, gió giật liên hồi đập vào tấm phao khiến các ngư dân phải vật lộn nhiều giờ liền mới bám trụ được. 10 ngư dân, chẳng ai dám nói câu gì để tránh bị kiệt sức và mất nước, họ chỉ lặng lẽ, cầu mong điều kỳ diệu đến. Mỗi lần thấy ai mệt, mọi người lại cùng động viên “cố gắng” sẽ được về nhà, về với gia đình để mọi người có thêm ý chí, không nản lòng, tuyệt vọng.
Ngư dân Vũ Viết Hà (SN 1982) với nhiều vết thương ở cổ và mặt sau hơn 2 ngày vật lộn với hàng ngàn con sóng dữ.
Được trở về như 1 điều kỳ diệu đến, anh Vũ Viết Hà (SN 1982, ở xóm Thành Công, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nghẹn ngào khi nhớ đến giây phút lênh đênh cùng những con sóng dữ: “Chẳng ai biết nói gì, hành động gì mà mọi người động viên nhau cố gắng bám trụ để chờ người đến cứu. Ai yếu thì được mặc áo phao cho hồi sức rồi lại nhường cho người khác yếu hơn. Rồi cứ thế áo phao chuyền đi chuyền lại cho tất cả mọi người”.
Miếng xốp rộng gần 3m2 như một chiếc phao cứu sinh cuối cùng của các anh giữa biển cả mênh mông. Nhưng nó dường như quá nhỏ bé, quá mong manh giữa biển khơi muôn trùng sóng gió. Từng ngư dân mỏi mòn chờ người đến cứu. Phần vì không có nước uống, không có thức ăn, cộng thêm đó là từng đợt sóng dữ đã khiến các ngư dân bắt đầu đuối sức.
Từ lúc phát tín hiệu cầu cứu, các ngư dân luôn động viên là sẽ có thuyền bạn nghe thấy và tới cứu. Nhưng rồi 1 tiếng 2 tiếng, 1 buổi, 1 ngày trôi qua, họ vẫn không thấy một chiếc thuyền nào, xung quanh chỉ có sóng và gió.
Anh Hà sung sướng ôm đứa con vào lòng. Đến lúc này đây, anh Hà mới biết rằng mình còn sống thật.
Những thuyền viên bắt đầu kiệt sức, có người đã không đủ sức lực để khua chân nữa. Họ cố giữ cho cơ thể mình làm sao có thể nổi lên mà tốn ít sức nhất.
Nuốt nước mắt nhìn từng người chìm vào biển nước
“Tàu chìm, chúng tôi phát tín hiệu cầu cứu, rồi động viên nhau phải cố gắng sống để trở về với quê hương, gia đình. Nhưng rồi chúng tôi đuối sức dần. Người khỏe hơn thì cố gắng giữ lấy người yếu. Nhưng nước biển lạnh lắm, sóng cũng to. Sau hơn 3 tiếng vật lộn, mọi người đều mệt lử nhưng vẫn cố gắng bám vào chiếc phao. Đầu tiên là thằng Khiêm, nó nhỏ quá nên yếu sức. Nó mệt rồi buông tay ra và chìm dần trong biển nước. Chúng tôi đã cố gắng với lấy Khiêm nhưng sóng to đã đẩy em ra rồi chìm xuống”, anh Lai đau đớn kể.
Nguyễn Văn Khiêm là thuyền viên ít tuổi nhất làm việc trên con tàu định mệnh NA 90249 TS. Lúc gặp nạn, Khiêm mới chỉ tròn 16 tuổi. Sau hơn 3 tiếng ngâm mình trong làn nước biển giá buốt, Khiêm đuối sức, tay không còn giữ được tấm phao nữa, đúng lúc có sóng đến đã đẩy Khiêm ra xa rồi chìm.
Nghe tin anh Lai và anh Hà may mắn trở về, còn các ngư dân thì vẫn còn nằm lại ngoài khơi xa khiến cả xóm nghèo lại rơi nước mắt.
9 thuyền viên còn lại phải bất lực nhìn em chìm dần vào biển nước. Lúc đó những người còn lại cũng đã rất yếu, họ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà tự động viên nhau phải cố gắng sống
“Người thứ 2 đuối sức bị chìm là thằng Thế em của tôi. Thấy nó mệt, tôi vừa động viên, vùa an ủi nó gắng sống về với mẹ và vợ con. Nhưng nó mệt quá, không nói gì được rồi tay cứng. Bất ngờ tay nó bị bật ra, tôi nhào tới giữ nó lại, kéo lên phao để cứu nhưng không được. Nó chìm dần theo sóng biển”, anh Lai kể.
Rồi cứ thế, từng người một không còn đủ sức để bấu víu vào tấm xốp, họ bắt đầu buông tay, rồi chìm dần vào biển lớn.
Khi được người anh vừa trở về báo tin chồng mình đã tử nạn, chị Mai Thị Phượng (vợ anh Hồ Vĩnh Thế) khóc ngất trong đau đớn.
Sau hơn 12 tiếng vật lộn cùng những con sóng dữ, đến 7h tối ngày 27/11, thuyền viên thứ 8 là ông Phạm Thanh Ngoan bắt đầu đông cứng lại. Phần vì giá rét, phần vì kiệt sức, thiếu nước uống, thiếu thức ăn đã khiến ông phải buông tay khỏi tấm phao xốp và vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.
Anh Lai kể: Thấy bác Ngoan bị chìm đi cả hai chúng tôi chẳng biết nói gì mà chỉ lặng lẽ khóc. Chúng tôi cố giữ lấy bác ấy nhưng không được nữa. Đúng là đau quá các anh ơi!”.
Hai đứa con thơ của anh Thế vẫn còn quá nhỏ để hiểu được hết nỗi đau này...
Cuối cùng, chỉ còn lại 2 thuyền viên Lai và Hà. Sau hơn 2 ngày lênh đênh, đến khoảng 15h chiều ngày 29/11 hai thuyền viên bất ngờ nhìn thấy lờ mờ hình dáng một con thuyền. Mới đầu cả hai đều không tin vào những gì mình đang nhìn thấy, tưởng rằng đó chỉ là ảo ảnh hư vô. Nhưng đến khi họ nhìn thấy rõ hình dáng chiếc thuyền, cả hai cùng gào lên “sống rồi” và đưa tay ra hiệu cứu giúp.
Con tàu gần tiếp cận, cả 2 cùng buông phao rồi dùng chút sức lực cuối cùng để bơi về phía chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QB 92287 TS do thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành điểu khiển. Và rồi, họ đã may mắn được cứu sống trở về với gia đình, với vợ con.