Tận dụng thành quả phát triển kinh tế “nhanh khủng khiếp” trong hơn 30 năm mở cửa, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, cố gắng biến biển Đông thành “ao nhà”, mở rộng sức mạnh hải quân đến tận Tây Thái Bình Dương...
Họ có nhiều tuyên bố, hành động để thực hiện những chiến lược trên nhưng trước đây, tốc độ triển khai bình thường, âm ỉ và mềm dẻo...chứ không mạnh, cứng rắn và "phô trương" như hiện tại.
Trung Quốc nỗ lực phát triển hải quân. Ảnh minh họa.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới những hành động đó của Trung Quốc, trước hết phải nói tới các đối thủ của Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn; điển hình làviệc kinh tế Mỹ chưa ổn định, Washington chưa "rút chân ra khỏi bãi lầy" Iraq, Afghanistan và một phần nào đó ở Trung Đông, Bắc Phi...
Nói cách khác, do “bận tay bận chân” ở hàng loạt "điểm nóng" bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ nên Nhà Trắng không thể dành nhiều thời gian, sự quan tâm “chăm sóc” cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không có Mỹ, nhiều đồng minh của Washington tại châu Á trở nên yếu thế trước “con rồng châu Á” hoặc bị những đồng Nhân dân tệ “quyến rũ”.
Sự "thờ ơ" của Mỹ nghiêm trọng tới mức Thượng nghị sỹ Dân chủ Mỹ Jim Webb hôm qua phải kêu gọi Quốc hội nước này lên án các hành động của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Ông cho rằng, Washington quá nhu nhược trong tình hình căng thẳng gia tăng ở biển biển Đông.
Mỹ đang bị "níu chân" ở Iraq, Afghanistan. Ảnh minh họa.
Yếu tố thứ 2 cần đề cập là nhìn chung, biên giới Trung Quốc ổn định, vững chắc hơn thời gian trước. Nhìn lên phía Đông Bắc,việc Chủ tịch Kim Jong-Il ngày càng khỏe mạnh giúp Triều Tiên tiếp tục ổn định, vùng biên giới phía Đông Bắc của Trung Quốc nhờ đó cũng vững chắc hơn.
Ở phương Bắc, quan hệ Trung Quốc với Nga ngày càng nồng ấm, bất chấp nhiều nghi ngại rằng Bắc Kinh sẽ “mượn đất” lâu dài ở vùng Viễn Đông và Siberia...
Về phía Tây Bắc và Tây,quan hệ Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ngày càng bền chặt nhờ những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào khu vực. Hơn nữa, với việc cùng Nga phát triển Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày càng lớn mạnh, Trung Quốcđủ sức “phủ sóng” toàn khu vực Trung Á...
Khi nhìn sang một số láng giềng khác như Myanmar, Lào hay Campuchia, tình hình cũng tương tự.Ở phía Đông, quan hệ nối hai bờ eo biển Đài Loan cũng ngày càng nồng ấm từ khi ông Mã Anh Cửu làm lãnh đạo khu vực này.
Do đó, có thể nói, nhìn tổng thể thì nhiều vùng biên của Trung Quốc vững chắc hơn thời gian trước; trong khi những “điểm nóng cố hữu” như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông...chưa có dấu hiệu bất ổn, có thể bùng phát trong thời gian trước mắt.
Nhìn chung, biên giới Trung Quốc ổn định hơn trước. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, từng đó thuận lợi mới là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để Trung Quốc có những tuyên bố, hành động “mạnh mẽ” như thời gian qua.
Phải tới khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần tấn công, sinh lực bị tiêu hao đáng kể thì Trung Quốc mới bộc lộ rõ ý định Đông tiến.
Nói về việc này, có ý kiến cho rằng Trung Quốc thực sự rất “may mắn”. Năm 2001, khi kinh tế Mỹ ở "đỉnh cao chót vót" sau thập kỷ phát triển thần tốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bill Clinton, Mỹ muốn quay sang “nói chuyện” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chưa kịp “động tay động chân” thì Mỹ bị khủng bố 11/9, buộc Washington phải dồn sức chống khủng bố, “bình ổn” khu vực Trung Đông. Kết quả là Mỹ bị “mắc kẹt” từ đó tới nay và Trung Quốc tranh thủ thời cơ để phát triển, mở rộng ảnh hưởng, thậm chí là tới cả nhiều nước Mỹ Latin, nơi được coi là “sân sau” của Mỹ.
Tới khi Tổng thống Barack Obama muốn “trở lại châu Á”, liên kết với Seoul và Tokyo lập “lưới sắt” kiềm chế, bao vây Bắc Kinh thì Tokyo lại bị động đất, sóng thần và đang bị đe dọa bởi bóng ma hạt nhân.
Sau thảm họa kép, tinh thần và sức lực của Chính phủ Nhật Bản chắc chắn phải tập trung vào việc khắc phục thiên tai, bình ổn nội địa và tái thiết đất nước. Nói cách khác, họ sẽ phải thu hẹp các hoạt động bên ngoài, cũng như ngừng, thậm chí là co lại trong hoạt động đối ngoại.
Xét về mặt chiến lược, sức ép lên Trung Quốc giảm rất nhiều và hoàn toàn có thể tránh được kế hoạch bao vây của Mỹ và đồng minh.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, Trung Quốc sẽ tranh thủ Nhật Bản “trọng thương” để mở rộng ảnh hưởng, tăng cường sức ép trong các vấn đề liên quan quần đảo Điếu Ngư cũng như biển Hoa Đông.
Nhật Bản mất hàng trăm tỷ USD vì động đất, sóng thần.Về kinh tế, tình hình cũng thuận lợi cho Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, tài chính. Cụ thể, do lo ngại phóng xạ hạt nhân, động đất, sóng thần...nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Nhật sẽ chuyển sang làm việc ở nơi khác và điểm đến hứa hẹn là Trung Quốc. Kết quả dễ thấy nhất có thể làThượng Hải "đóng thế" Tokyo làm trung tâm tài chính của cả khu vực.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nước này cần ít nhất 5 năm mới hồi phục "thể lực" như hiện tại. Chắc chắn là trong khoảng thời gian Nhật “ở nhà dưỡng sức”, Trung Quốc sẽ tranh thủ vươn lên, quyết phá thế bao vây, mở rộng vùng ảnh hưởng.Trong bối cảnh đó, có lẽ Nhật phải tăng cường liên minh liên kết với thêm càng nhiều đối tác càng tốt để “trói” buộc “con rồng châu Á”, giữ nguyên tình trạng ổn định cho cả khu vực.
Theo Đất Việt