GS. Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - người từng đề xuất thành lập một Ủy ban lâm thời điều tra độc lập vụ Vinashin trao đổi với PV Tiền Phong.
Vụ việc Giang Kim Đạt đang là mối quan tâm lớn của dư luận khi chỉ là quyền trưởng phòng của một công ty thuộc tập đoàn Vinashin mà chiếm đoạt được tới 19 triệu USD.
Từng theo dõi vụ việc của Vinashin từ khóa XII, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Có thể thấy công tác quản lý tài sản công, ngân sách rất lỏng lẻo, đặc biệt đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Điều này có nguyên nhân về mặt pháp luật, như ông Võ Hồng Phúc - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT có trả lời trước QH khóa XII là đến các đoàn thanh tra của Bộ vào Tập đoàn Vinashin họ cũng không tiếp, không cho vào.
Vì theo Nghị định 101/2009, các việc quan trọng của tập đoàn, từ tổ chức, nhân sự, chiến lược kinh doanh, ngành nghề, dự án đầu tư, vốn… thì Bộ KH&ĐT không có vai trò quyết định. Bộ chỉ có vai trò tham mưu trong một số việc nhất định.
“Mọi việc cần phải được công khai minh bạch, vì chúng ta phải hiểu mọi của cải trên đất nước này đều là của dân, vì thế dân phải có quyền kiểm soát, như thế dân mới giúp chính quyền chống tham nhũng được”.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Khi đặt ra quy định này, chúng ta muốn để các tập đoàn kinh tế - các “quả đấm thép” được độc lập, tự chủ, không bị cản trở vì những thủ tục nhiêu khê về hành chính có thể xảy ra ở một số cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng ta muốn tạo điều kiện cho họ có được điều kiện hoạt động tốt nhất, nhưng thực sự điều này không hợp lý.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ cấp dưới tự tung tự tác ghê quá, nhất là Tập đoàn Vinashin, một người trong bao nhiêu năm vừa là Bí thư Đảng ủy, vừa giữ chức Chủ tịch HĐQT, lại vừa kiêm Tổng giám đốc tập đoàn, thử hỏi làm sao mà không có sai phạm?
Nghĩa là cơ chế hiện nay đang bộc lộ quá nhiều lỗ hổng cả về quản lý tài sản nhà nước lẫn con người?
Cái đó thì quá rõ rồi. Có thể nói, đây là một lỗ hổng quản lý quá lớn. Dư luận có quyền đặt vấn đề: Chỉ một quyền trưởng phòng đã có thể chiếm đoạt gần 19 triệu USD như vậy nếu Đạt ở vị trí cao hơn thì hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào?
Trong vụ Vinashin, người đứng đầu tập đoàn này chỉ bị xử về tội vi phạm quy định quản lý tài chính của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng thôi, chứ không có tội tham ô, tham nhũng.
Vậy đây là câu chuyện gì? Có thể từ Giang Kim Đạt, cơ quan điều tra sẽ tìm ra sự thật.
Vậy theo ông, làm thế nào để có thể bịt được những lỗ hổng, bất cập này?
Trước hết, chúng ta phải sửa các văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý các tập đoàn, DNNN nói chung. Theo tôi được biết, sau này các Nghị định 99/2012 và 69/2014 của Chính phủ cũng đã sửa rồi, tập đoàn kinh tế nhà nước có sự tham gia quản lý của các Bộ và UBND cấp tỉnh.
Thứ hai, phải kiên quyết cổ phần hóa, nếu quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” như thế này thì các “quả đấm thép” sẽ “đấm” cho nền kinh tế này sụn xương.
Thực tế đóng góp của các DNNN vào ngân sách còn thấp hơn cả khối DN tư nhân, trong khi DN tư nhân không hề được tiếp cận với tài nguyên quốc gia (trừ đá vôi) và tiếp cận ngân sách nhà nước. Đó là điều bất bình thường.
Ở nhiều nước phát triển, Nhà nước đâu cần phải nắm giữ lĩnh vực nào? Như ở Mỹ, công ty dầu khí, rồi đến công ty sản xuất vũ khí cũng là của tư nhân.
Làm như thế, họ sẽ phát triển tốt hơn, vì tư nhân mới phải lo làm cho tốt, còn DN thuộc nhà nước có tất cả mọi thứ ưu ái, lỗ cũng có Nhà nước chịu, nên các ông ấy chả cần.
Thứ ba, phải công khai minh bạch về việc làm ăn, chi tiêu ngân sách của các DNNN. Chúng ta tôn trọng bí mật kinh doanh của DN, nhưng “anh” được rót bao nhiêu tiền, chi thế nào, lỗ lãi ra sao… dứt khoát phải báo cáo để người dân biết.
Liên quan đến điều này, QH đang chuẩn bị thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Nhưng đáng tiếc là dự thảo Luật chỉ quy định cơ quan công quyền, chứ không phải tất cả các đơn vị, tổ chức, DN sử dụng ngân sách nhà nước phải công khai, minh bạch thông tin.
Ở nước Anh, quan chức Chính phủ và nghị sĩ còn phải trả lời người dân: Một năm đi nước ngoài bao nhiêu lần, chi hết bao nhiêu tiền, ở khách sạn hạng nào, đem lại hiệu quả gì?...
Họ chất vấn đến mức các quan chức và nghị sĩ phải rút kinh nghiệm ngay, trong các chuyến công tác, không dám ở khách sạn loại sang nữa. Đó là cách để kiểm soát việc sử dụng ngân sách nhà nước, chống tham nhũng.
Cảm ơn ông.