Đến 14 giờ ngày 24/12, hàng chục hành khách đã cập cảng Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) an toàn sau hàng giờ hoảng loạn, kêu cứu giữa biển khơi đang động dữ dội.
Tàu bị nạn được lai dắt an toàn về Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn
Trước đó, khoảng đầu giờ trưa ngày 24/12, tàu đầu kéo của doanh nghiệp Tấn Tài (do ông Nguyễn Văn Pháp, ngụ thôn Đông, xã An Hải làm thuyền trưởng) đã lén lút rời đảo Lý Sơn, đồng thời chở thêm 12 hành khách vào đất liền, bất chấp thời tiết lúc này đang diễn biến xấu, cũng như lệnh cấm của Ban quản lý cảng Lý Sơn.
Tàu vừa chạy cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý về phía bắc thì gặp nạn. Nguyên nhân là do lúc này sóng to, gió lớn, cộng với hệ thống bơm nước của tàu bị hỏng nên tàu bị phá, nước nhanh chóng tràn vào khiến cho toàn bộ hành khách và thủy thủ hoảng sợ, gào thét kêu cứu giữa biển khơi. Nhà tàu nhanh chóng phát tín hiệu cầu cứu từ đất liền và từ đảo Lý Sơn.
Nhận được tin báo, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã điều động tàu khách An Hải (lúc này đang neo đậu ở Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn) đến ứng cứu. “Tuy gần, nhưng vì sóng to gió lớn nên phải hơn 12 giờ trưa tàu chúng tôi mới tiếp cận được tàu bị nạn, lần lượt đưa hành khách, thủy thủ lên tàu, đồng thời lai dắt tàu bị nạn về Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn”, ông Võ Hồng Danh, chủ tàu cao tốc An Hải cho biết.
Người dân ngồi đất liền chờ đợi lực lượng chức năng cứu thuyền gặp nạn.
Còn anh Lê Quang Lộc, người tực tiếp điều khiển và hướng dẫn các thuyền viên trên tàu An Hải đi cứu hộ, kể lại: “Lúc này mọi người rất hoảng loạn, nhiều người đã gào thét, thậm chí là khóc lóc. Do sóng lớn, mọi người lại hoảng loạn, nên chúng tôi phải chia ra thành nhiều nhóm để đưa mọi người lên tàu. Rất may là mọi người được an toàn.”
Liên quan đến vụ việc, Đại úy Lê Văn Sự, Phó trưởng Trạm biên phòng xã An Hải, cho biết việc tàu của doanh nghiệp Tấn Tài rời đảo Lý Sơn là lén lút, không có sự cho phép của cơ quan chức năng.
“Bởi lúc này biển đang động cấp 7, cấp 8, Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi đã ra lệnh cấm tất cả tàu thuyền không được phép rời khỏi cảng”. Tuy nhiên, sự việc xảy ra trưa nay không phải là trường hợp cá biệt, trước đó cũng có nhiều tàu hoạt động kiểu “liều mạng” như thế này nhưng nhanh chóng bị Ban quản lý cảng Lý Sơn can thiệp.
Trong một diễn biến khác liên quan đến thời tiết xấu ở huyện đảo Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, đã hơn 10 ngày qua đảo Lý Sơn cô lập với đất liền, khiến cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa với đất liền bị đình trệ.
Điều này khiến cho giá cả ở Lý Sơn tăng chóng mặt, đó là những loại thực phẩm tươi sống như: thịt heo, bò, gà vịt, cá… đều tăng khoảng 30%, trong khi đó gạo cũng tăng khoảng 10%. Thậm chí một số người còn đổ xô mua xăng dự trữ vì sợ biển động “dài dài”.
“Trong vài ngày tới, nếu thời tiết vẫn diễn biến xấu như thế này, chúng tôi sẽ xuất kho lương thực dự trữ để cấp phát cho nhân dân. Nếu có những trường hợp tai nạn nghiêm trọng và đột xuất, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh điều động tàu cứu nạn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh ứng cứu”, ông Nguyên cho hay.