Liệu có hủy án sơ thẩm vụ Dương Chí Dũng?

Trao đổi với PV sau hôm xử phúc thẩm 25/4, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, nhiều khả năng, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội sẽ bị hủy.

Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái và Tham ô, theo dự kiến, HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 25/4.

Đến chiều 25/4, HĐXX đã quyết định quay lại phần thẩm vấn, xét xử lại từ đầu. Ngay khi phiên xử chiều 25/4 kết thúc, VietNamNet đã trao đổi với luật sư Trần Hồng Phúc (luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan) về vấn đề này.

Vì sao hoãn tuyên án?

PV: Theo luật sư, lý do gì mà sau 3 ngày xét xử, HĐXX lại quay lại xét xử từ đầu?

-Luật sư Phúc: Dưới góc độ là luật sư, tôi thấy tinh thần cải cách tư pháp về nguyên tắc là tôn trọng kết quả thẩm vấn tại tòa. Trong qúa trình thẩm vấn ngày hôm qua (25/4 - PV) nhiều điều chưa được làm rõ.

Đặc biệt là ở phần tranh luận, các luật sư đưa ra nhiều vấn đề và việc đối đáp của đại diện VKS chưa được đầy đủ. Đứng ở vai trò của HĐXX, thấy được một bên gỡ tội và một bên buộc tội chưa được làm rõ, nên dẫn đến việc phải quay lại phần hỏi để có căn cứ xác định bản chất khách quan của vụ án này.

Những câu hỏi của HĐXX cũng tương đối mới đối với những vấn đề chưa được làm rõ ngày hôm qua (24/4- PV), hoặc là có sự mâu thuẫn trong lời khai của một số bị cáo.

Ví dụ trong lời khai của bị cáo Sơn, bản thân lời khai của ông Sơn mới có lời cung, chưa có chứng cứ, như vậy HĐXX cần hỏi lại để đánh giá xem lời khai đó có cơ sở để tin không, và dựa trên chứng cứ nào.

Câu trả lời của ông Sơn luôn là không nhớ, không biết, không rõ và không đưa ra được chứng cứ khác. Đặc biệt trong phần thẩm vấn của các luật sư đối với bị cáo Sơn và bị cáo Chiều thì thấy là vẫn phải làm rõ, vẫn phải tìm ra một người chỉ đạo việc thỏa thuận ngày 7/7/2007. Thứ hai, ai là người chỉ đạo việc tách làm 3 hóa đơn? Nó chia nhau như thế nào? Nó liên quan thế nào đến bộ hồ sơ mà luật sư Trần Đình Triển đã đưa ra và một số người môi giới khác nữa. Vấn đề này phải tìm ra bản chất thực sự là ai, lúc đó mới có căn cứ để xác định trách nhiệm của các bị cáo, có hay không có vấn đề tham ô và họ chịu trách nhiệm hình sự, dân sự đến đâu.

Với cái tinh thần này, kết quả thẩm vấn ngày hôm nay (25/4- PV), chưa thấy nói lên được điều gì. Do vậy, HĐXX cấp phúc thẩm về nguyên tắc khi họ đã không khắc phục được thì họ phải trả hồ sơ, điều tra lại.

Nhiều mâu thuẫn trong lời khai của người liên quan

PV: Thưa luật sư, chưa làm rõ được vì ông Sơn luôn trả lời là không nhớ, không rõ?

Luật sư Phúc: Chính xác. Trong hồ sơ vụ án này cung là nhiều, chứng cứ thì thiếu. Ở đây tôi đánh giá cao HĐXX. Lời khai là bản cung nhưng phải được đánh giá phù hợp với những nguồn chứng cứ khác.

PV: Vụ án này không phải phạm tội quả tang, các bị cáo cũng không ra đầu thú, là vụ án truy xét nên việc thu thập chứng cứ cũng gặp khó khăn?

Luật sư Phúc: Đương nhiên là gặp khó khăn, và vấn đề này đại diện VKSND Tối cao ở tòa cũng đã thừa nhận. Nhưng quan điểm của chúng tôi là cung cũng chính là chứng, nhưng cung ở trong hình sự có đặc thù là gì. Ở đây lời khai của các bị can, bị cáo không phải là chứng cứ để buộc tội, mà nó chỉ trở thành chứng cứ khi nó phù hợp với các nguồn chứng cứ khác.

Ở vụ án này chủ yếu chỉ có những lời cung, còn việc tìm ra nguồn chứng cứ thì rất khó. Tôi nói ví dụ như chuyện ông Sơn khai có đưa tiền cho ông Dũng ở khách sạn Victory, trong tp HCM, nhưng ở đây chưa thu thập được list điện thoại ông Sơn gọi cho ông Dũng hồi mấy giờ? Hẹn đến mấy giờ? Chưa thu thập được camera của khách sạn để xác định được mấy giờ ông Dũng đến. Ông Dũng khai đi bằng xe ô tô cơ quan chở, thì phải có được lời khai của lái xe đưa ông Dũng đến lúc mấy giờ? Hoặc nếu đi bằng taxi thì của hãng nào? Cái đó chúng tôi không thấy thể hiện trong hồ sơ.

PV: Trong phần thẩm vấn, ông Sơn không thừa nhận một số nội dung trong bản tuyên thệ của ông Goh là đúng?

Luật sư Phúc: Tôi đánh giá là rất nhiều khả năng bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội sẽ bị hủy, bởi khi đã đưa ra một nguồn chứng cứ mới là phải được xem xét trong qúa trình tố tụng. Ở đây chúng ta phải hiểu, luật Singapore, bản thân người làm chứng tuyên thệ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với lời khai của người ta. Nếu sai, người ta phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề, chứ nó không thuần túy như luật VN- chưa có luật tuyên thệ, ai khai như thế nào là tùy người khai thôi, họ không phải chịu trách nhiệm tù về lời khai của mình.

Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này cần phải xem xét đến việc trả hồ sơ điều tra lại để triệu tập ông Goh, lấy lại lời khai của ông Goh để thẩm định bản tuyên thệ của ông này có đúng không và điều tra những vấn đề trong nội dung bản tuyên thệ của ông ta.

PV: Cám ơn luật sư.

Dương Chí Dũng nói gì ở phiên sơ thẩm? Mời quý vị xem clip:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại