Libya: Phe nổi dậy vào căn cứ Bab al-Aziziya

vytran |

Phe nổi dậy đã kiểm soát căn cứ Bab alAziziya, tổng hành dinh của ông Gaddafi ở Tripoli. Con trai ông Gaddafi không bị bắt.

Đêm 22-8, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet tuyên bố chính quyền của ông Gaddafi đã bại trận và thất thủ. Thực ra đến ngày 23-8, tức ba ngày sau khi mở cuộc tổng tấn công vào thủ đô Tripoli (Libya), phe nổi dậy vẫn chưa thể kiểm soát toàn bộ thủ đô.

Trong ngày 23-8, chiến sự diễn ra ác liệt chưa từng thấy tại khu căn cứ Bab al-Aziziya, tổng hành dinh của ông Gaddafi. Giao tranh đẫm máu diễn ra gần lối vào căn cứ. Tiếng đạn pháo, tiếng súng máy xen lẫn với tiếng gầm rú của máy bay NATO tăng cường không kích. Khói đen bốc lên cuồn cuộn từ bên trong căn cứ.

Nằm bẹp trên ban công khách sạn để tránh đạn, phóng viên Luke Harding của báoThe Guardian(Anh) cho biết hai bên đang đấu súng dữ dội ở khu vực trung tâm Tripoli. Anh diễn tả đạn pháo của phe nổi dậy dồn dập trút xuống căn cứ Bab al-Aziziya chẳng khác nào trận chiến Stalingrad. Anh xác nhận chưa thể nói Tripoli nằm trong tầm kiểm soát của phe nổi dậy.

Nữ phóng viên Alex Crawford của hãng tinSky News(Anh) xác nhận có rất nhiều người bị thương. Xác chết được chở đến bệnh viện ở trung tâm Tripoli trong khi thuốc men dự trữ ở đây đang cạn.

NATO cho biết máy bay NATO vẫn tiếp tục các phi vụ nhưng từ chối xác nhận có không kích căn cứ Bab al-Aziziya để yểm trợ cho phe nổi dậy hay không.

BáoThe Guardian(Anh) dẫn lời đại diện của Hội đồng Dân tộc quá độ cho biết 2.000 quân tăng viện của phe nổi dậy đã vượt phòng tuyến ở TP Zlitan cách Tripoli 128 km vào ngày 22-8 và sẽ đến Tripoli trong đêm 23-8 theo giờ địa phương để xoay chuyển cục diện chiến sự.

Nổ lớn ở khu căn cứ Bab al-Aziziya ngày 23-8. Ảnh: AP

Đại tá Roland Lavoie, người phát ngôn của NATO, cho biết chưa có manh mối nào về chỗ ẩn náu của ông Gaddafi. Tuy nhiên, một quan chức Nga giấu tên cho biết trong ngày 23-8 đã tiếp xúc qua điện thoại với ông Gaddafi và ông Gaddafi cho biết vẫn ở Tripoli.

Cùng ngày, Hy Lạp, Morocco, Malta, Nigeria, Iraq đã thừa nhận Hội đồng Dân tộc quá độ là đại diện hợp pháp của Libya.

Tình hình ở Tripoli đang căng thẳng và hỗn loạn đến nỗi Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) phải hoãn đưa tàu cập cảng Tripoli để sơ tán 300 công dân nước ngoài còn mắc kẹt. Hơn 5.000 công dân Bangladesh, Philippines và Ai Cập ở Tripoli đã đăng ký sơ tán. Rất nhiều công dân các nước châu Phi ở ngoại ô Tripoli không thể liên lạc với cơ quan lãnh sự ở Tripoli.

Bộ Ngoại giao Philippines đã làm việc với IOM từ ngày 21-8 để đưa hơn 1.700 lao động Philippines tại Libya (chủ yếu là y tá) về nước. Theo báo Inquirer (Philippines) ngày 22-8, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Rafael Seguis đã sang Tripoli thuyết phục công dân về nước. Rất nhiều lao động Philippines không muốn hồi hương vì lo lắng sẽ không tìm được việc ở quê nhà.

Theo Phapluat

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại