Đưa chúng tôi vào nhà bà Cúc là chị Hồ Thị Mỹ Dung, cán bộ Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Nam, đồng thời cũng là hàng xóm nhà bà Cúc.
Chị Dung tâm sự: “Đã sống ở cái thành phố này 15 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy cảnh đời nào éo le đến vậy. Con bị cụt cả hai chân vẫn hàng ngày lê lết ra chợ xin ăn về nuôi mẹ liệt giường… Nhìn cảnh kẻ què lết ra chợ ăn xin nuôi người liệt mà đứt ruột”.
“Hành trang” theo chị Ba mỗi ngày rất đơn giản, chỉ hai chiếc dép lào cũ kĩ, hai sợi dây và một chiếc nón. Chị lấy dây buộc dép lào vào hai đầu gối, đội nón lên đầu rồi ra chợ xin ăn.
Chị Ba xin ăn ngoài chợ.
Khi di chuyển, chị chống 2 tay xuống đất rồi dùng sức lê từng bước khó nhọc. Đoạn đường từ nhà ra chợ chỉ 2 cây số nhưng với chị Ba là một chặng đường dài thăm thẳm. Cảm thương chị lê lết di chuyển ra chợ xin ăn, nhiều người tiện đường cũng sẵn lòng “thồ” chị một đoạn.
Ở chợ, không ai còn lạ với hình ảnh chị Ba cụt 2 chân “kiếm cơm” qua ngày. Nhiều lúc họ thấy chị quá mệt mỏi “mượn” tạm một “xó chợ” ngủ thiếp đi.
Tối về nhà, khi hai đầu gối rớm máu trên những vết thâm đen sì, chị Ba lại giấu giếm không dám để mẹ biết vì sợ mẹ buồn.
Tuy con gái không nói cho bà Cúc biết nhưng bà Cúc hiểu rõ những nhọc nhằn của con.
Ngó sang con gái, bà Cúc bật khóc: “…hết ung thư gan rồi đến bệnh đái tháo đường làm khổ già, nếu như không có đứa con gái vẫn cần mẫn ngày qua ngày lết 2 chân cụt ra chợ xin ăn về nuôi già thì già cũng đi lâu rồi. Nghĩ mà thương con!”.
Những lúc ở nhà, chị Ba luôn túc trực chăm sóc mẹ.
Theo lời kể của chị Ba, hai mẹ con đã sống bám níu nhau suốt 30 năm nay. Ngày ấy, tai ương liên tiếp ập đến gia đình chị. Cha chị đột ngột qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa. Ít lâu sau, trong một lần đi làm phụ mẹ, chị dẫm phải bom mìn và bị cụt chân. Vài năm trở lại đây, mẹ chị bắt đầu đổ bệnh, mọi khó khăn, bế tắc trở nên chất chồng.
Ngày mẹ ngã bệnh, gia đình không có một xu dính túi, mấy bà con hàng xóm gom góp giúp đỡ nên chị mới đưa mẹ đi cấp cứu
Nhiều lúc ngồi buồn, chị Ba lại nghĩ mẹ thật vô phước khi chỉ có đứa con què cụt.
Sau lần đó, chị biết mẹ bị mắc bệnh ung thư gan cần phải điều trị sớm không thì khó giữ được tính mạng khi tuổi tác ngày càng cao. Thời gian về sau, chị bắt đầu ra chợ xin ăn về nuôi mẹ mỗi ngày.
Căn bệnh của bà Cúc ngày càng nặng khiến số tiền chị Ba đi vay, đi mượn, đi thế chấp sổ đỏ cũng hết theo. Đến nay, số tiền mà chị nợ ngân hàng, bà con hàng xóm đã lên đến 50 triệu đồng.
Chị Dung cho biết chị Ba là một người con hiếu thảo hiếm có, mặc dù tàn tật như vậy nhưng vẫn hết lòng phụng dưỡng mẹ già. “Có lần đang dở đổ nước sôi vào bình ở dưới bếp thì nghe mẹ gọi, chị Ba vội vã rót nước vô ý làm nước tung tóe bỏng cả người, hoặc có khi cuống cuồng lết đến chỗ mẹ mà chúi đầu vào tường nhà…” - chị Dung kể.
Lúc chúng tôi ra về vẫn nghe thấy tiếng bà Cúc nói đứt quãng với chị Ba: “Con… Chân con chảy máu rồi kìa, ai biểu con ăn xin nuôi mẹ hả con?”. Tiếng khóc òa của chị Ba cũng nổi lên cùng lúc đó.