Lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão Meagi

lananh |

Sáng 6/10, trời mù mịt, mưa lớn kéo dài bao phủ trên diện rộng ở Quảng Ngãi.

Triều cường bắt đầu dâng cao biến đồng muối Sa Huỳnh thành biển nước. Huyện Đức Phổ đã thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học để phòng tránh nguy hiểm. Huyện cũng phối hợp với lực lượng quân y Đồn Biên phòng Sa Huỳnh thiết lập các trạm sơ cấp cứu y tế dã chiến nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản khi bão đổ bộ.

lap-so-chi-huy-tien-phuong-ung-pho-bao-meagi

Mưa và gió lớn bắt đầu xuất hiện ở vùng biển Sa Huỳnh sáng nay. Ảnh: Trí Tín

Vùng biển Sa Huỳnh là nơi dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của tâm bão nên công tác đảm bảo an toàn cho hơn 1.300 tàu thuyền và hàng nghìn hộ dân đang được tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Em, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, Ban chỉ huy PCLB Quảng Ngãi vừa quyết định lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đức Phổ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban PCLB tỉnh Lê Viết Chữ; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp túc trực chỉ đạo công tác ứng phó bão Meagi đổ bộ vào đất liền trong tối nay.

Theo ông Em, trong trường hợp khẩn cấp, Lữ đoàn 572 (Bình Định) và Sư đoàn 307 đóng quân tại xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ điều động cán bộ, chiến sĩ giúp địa phương sơ tán người dân ở vùng ảnh hưởng triều cường đến nơi an toàn.

lap-so-chi-huy-tien-phuong-ung-pho-bao-meagi

Biển động gây sóng lớn ở cửa biển Sa Huỳnh trong sáng nay. Ảnh: Trí Tín.

Hiện Quảng Ngãi đã sẵn sàng di dời hơn 20.000 hộ dân vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, triều cường trong trường hợp bão đổ bộ trực tiếp. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho biết, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là áp dụng giải pháp toàn diện, trong đó ưu tiên việc sẵn sàng di dời khi cần thiết.

Các địa phương phải có phương án an toàn cho các hồ chứa nước, các huyện miền núi cần chủ động di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao… Đến sáng nay, Quảng Ngãi đã tổ chức di dời hơn 200 hộ dân ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ.

Tại Bình Định, từ sáng sớm nay đã xuất hiện mưa lớn và gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6. Tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng tránh bão số 7. Tại các khu vực tránh trú bão ở TP Quy Nhơn, ngư dân tất bật neo buộc lại tàu thuyền. Người dân cũng gấp rút chống nhà cửa, sẵn sàng di dời ra khỏi vùng sạt lở, nguy cơ triều cường xâm thực khi có lệnh của các cơ quan chức năng.

Trước thông tin bão số 7 nhiều khả năng đổ bộ vào Bình Định, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh đã cho gần 350.000 học sinh ở 632 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông nghỉ ngày 6/10 để tránh bão và đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh.

Tương tự, tỉnh Phú Yên cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư đối phó với bão. Việc kiểm tra các công trình đê điều, hồ chứa nước... rà soát, lên phương án sẵn sàng di dời dân ở khu vực ven biển được gấp rút thực hiện. Đến rạng sáng nay, các cơ quan chức năng đã di dời hơn 20 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường ở thị xã Sông Cầu. Tỉnh này cũng đang chỉ đạo khẩn cấp sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm khác từ 10h ngày 6/10, kết thúc vào 14h.

lap-so-chi-huy-tien-phuong-ung-pho-bao-meagi

Người dân huyện Đức Phổ tất bật giằng chống nhà cửa sáng nay. Ảnh: Trí Tín.

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương trực tiếp về kiểm tra tình hình phòng tránh bão số 7 ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cử đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình trạng mưa lớn gây úng ngập, lũ quét, lở đất và gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, các hồ chứa. Các nhà máy thuỷ điện, các khu vực có địa hình dốc như Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cần tập trung các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 7 dự kiến đổ bộ vào phía nam Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Bắt đầu từ sáng và trưa nay, tại miền Trung và bắc Tây Nguyên sẽ có mưa trên diện rộng và cấp tập trong 24 giờ. Các tỉnh từ Huế đến Bình Định mưa phổ biến 200-300 mm, một số nơi trên 300 mm. Tại các tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk, Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Bình có mưa 100 mm, một số nơi mưa 200 mm.

Dự báo mưa sẽ gây ra một đợt lũ trên các sông suối tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên. Đỉnh lũ phổ biến ở mức trên báo động 1, một số sông ở mức báo động 2. Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định ở mức xấp xỉ báo động 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại