Lão nông bắt quýt “đẻ” trái quanh năm

Quốc Hải |

Bằng kỹ thuật chăm sóc không giống ai, lão nông Hứa Văn Chung, sinh năm 1960, người dân tộc Nùng ở ấp 4, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đã bắt vườn quýt đường rộng gần 2ha của mình “đẻ” trái quanh năm, mang về lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng/năm.

Khởi nghiệp với 2 chỉ vàng

Hôm chúng tôi đến thăm, ông Chung và gia đình đang chuẩn bị cho đợt thu hoạch trái quýt vào cuối tháng. Dặn vội vợ con vào nhà trước để chuẩn bị nước trà, đích thân ông len lỏi giữa vườn quýt trĩu quả để lựa những trái quýt to mọng mang về mời khách.

Ông cười bảo: “Quen với từng cây rồi nên tui biết rõ cây nào là “đặc sản vườn”. Và chuyện ông lập nghiệp thành công với cây quýt dần được tái hiện qua quá trình chúng tôi cùng ông len lỏi giữa vườn quýt trĩu quả...

Quê ông Chung ở Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), năm 1964, cha mẹ dắt ông vào vùng đất Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) làm kinh tế mới. Ban đầu, gia đình ông thuê được ít đất để trồng các loại hoa màu và cà phê.

Sau khi lập gia đình riêng và tích cóp được 2 chỉ vàng, năm 1986, ông Chung khăn gói xuống Tân Phú (Đồng Nai) mua hơn 1ha đất và bắt đầu trồng cà phê.

Mặc dù đất đai có tới 60% là đá tổ ong, nhưng nhờ cần cù chịu khó, mảnh đất khó nhằn ấy cũng giúp ông nuôi sống gia đình.


Ông Hứa Văn Chung bên vườn quýt đường trĩu quả.

Ông Hứa Văn Chung bên vườn quýt đường trĩu quả.

Năm 1994, vườn cà phê hơn 1ha của gia đình ông Chung cho sản lượng hơn 4 tấn hạt. Nhờ bán được giá, thu lãi cao nên ông mạnh dạn mua thêm mảnh đất gần 1ha gần nhà với giá 20 triệu đồng.

“Thực tình, mấy anh em ở Lâm Đồng xuống chơi, ai nhìn vào mảnh đất này cũng ngao ngán vì có tới 50-60% diện tích là đá.

Nhìn đâu cũng thấy đá nhưng nhiều năm lăn lộn ở vùng này tôi biết, dù có nhiều đá nhưng cây cà phê và các loại cây ăn trái vẫn phát triển rất tốt” – ông Chung tự tin nói.

Sau nhiều năm giá cà phê xuống dốc, cộng với vườn cà phê đã già cỗi, cho năng suất ngày càng giảm (chỉ còn khoảng 2 tấn/ha), năm 2010 ông Chung quyết định bỏ cà phê để trồng quýt đường.

Quyết định này của ông gặp phải nhiều sự phản đối của người thân, ai cũng lo lắng ông sẽ không tìm được đầu ra cho sản phẩm, đang yên lành thì lại bỏ đi sở trường (cây cà phê) để tìm đến sở đoản.

“Tôi chẳng biết gì về cây quýt, nhưng thấy nhiều người trong vùng trồng thành công, tôi tin mình cũng sẽ làm được” - ông Chung cười nói.

Bắt cây “nhả vàng”

Với quyết tâm chuyển đổi giống cây trồng, ông Chung huy động toàn bộ nguồn vốn tích cóp qua nhiều năm, cộng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng NNPTNT (250 triệu đồng) và bắt đầu gieo trồng giống quýt đường trên toàn bộ mảnh đất gần 2ha.

Ông cho biết: “Trồng cà phê dễ một thì trồng quýt khó mười. Tôi mua giống quýt giá 15.000 đồng/cây, trồng sang năm thứ 2 thì cây bắt đầu bị vàng lá.

Khi đó tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm “thầy thuốc”, học hỏi kinh nghiệm nhưng nhiều nhà vườn trong vùng không chia sẻ, hoặc có thì cũng qua loa.

Bí quá, tôi ra tiệm bán vật tư nông nghiệp và hỏi những người bán thuốc, nhưng câu trả lời cũng rất chung chung về cách chăm sóc cây ăn trái. Sau cùng, tôi phải tự mày mò qua sách vở, lên mạng Internet đọc rồi áp dụng dần vào vườn”.

Sau mỗi lần “thí nghiệm” như thế, ông Chung lại rút ra được kinh nghiệm và dần nắm bắt được các khâu quan trọng trong việc chăm sóc quýt đường như bón phân, tưới nước, phun thuốc…

Những gốc quýt úa vàng dần xanh trở lại và ngày càng tốt tươi. Cuối năm thứ 3, những gốc quýt đường đầu tiên của khu vườn đã cho lứa quả đầu tiên.

“Nhìn thành quả của mình lúc đó, tôi đã rớt nước mắt. Dù chưa biết tìm đầu ra thế nào, nhưng tôi vẫn tin mình sẽ làm được, thậm chí còn làm tốt hơn so với trồng cà phê trước đó” - lão nông Hứa Văn Chung chia sẻ.

Bước sang năm thứ 4, gần 2ha quýt đường với khoảng 2.000 gốc của ông bắt đầu cho quả nhiều. Nhìn cây cho trái sai lúc lỉu, ông mừng lắm. Nhưng không hiểu sao khi trái lớn hơn trái chanh một chút là bắt đầu bị vàng và rụng.

Cho rằng cây bị sâu bệnh nên ông thử phun các loại thuốc mà không có tác dụng. Mất mấy đợt ra trái, ông mới nhận ra rằng do lượng trái trên cây quá nhiều nên cây không đủ sức nuôi, dẫn tới trái bị vàng và rụng.

Hiểu rõ “bệnh” rồi, ông và vợ con bắt đầu vặt bớt trái ở những cây quýt gần nhà và theo dõi tình hình phát triển của quả. Sau một thời gian ngắn, ông Chung đã khắc phục thành công tình trạng rụng trái khiến cả gia đình nhiều đêm mất ngủ.

Cũng nhờ mạnh tay bỏ bớt quả nên trái quýt trong vườn nhà ông luôn căng mọng, to đều và được thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá trung bình 24.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 31.000 - 32.000 đồng/kg.

Đặc biệt, nhờ nắm vững kỹ thuật trồng kết hợp với các yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng…, vườn quýt đường của ông Chung là một trong những nhà vườn hiếm hoi trong vùng có trái quanh năm.

Hiện tại, cứ 1,5 tháng vườn quýt nhà ông lại cho thu 1 lần, sản lượng trung bình hơn 6 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông bỏ túi trên dưới 150 triệu đồng tiền lãi mỗi lần thu hoạch. “Năm vừa qua, tôi thu được 8 vụ, lãi hơn 1 tỷ đồng” - ông Chung khoe.

“Hiện tại, ngoài gia đình ông Chung, trên địa bàn xã Núi Tượng đang có nhiều hộ nông dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng NNPTNT để chuyển từ trồng cà phê, hồ tiêu sang các loại cây ăn trái như sầu riêng, quýt đường… và cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Đây là một tín hiệu tốt, góp phần đưa Núi Tượng trở thành xã nông thôn mới (hiện xã mới đạt 10/19 tiêu chí)” - ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tượng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại