Làng chài đói cơm khát chữ trên con nước sông Hồng

daquynh |

Cái nghèo đã trở thành "căn bệnh di truyền" từ đời này sang đời khác ở làng chài An Xá.

Trái ngược hẳn với những gì sầm uất mà người ta vẫn thấy ở mảnh đất Thủ đô là cuộc sống của những người dân làng chài An Xá – Phúc Xá – Ba Đình – Hà Nội. Ở đó có những mảnh đời hẩm hiu, nhiều bất hạnh.
Làng chài An Xá không biết được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng những con người nghèo khổ nhất không thể sống được trên bờ đành tính kế sinh nhai nơi dòng nước Sông Hồng.
Chúng tôi đến làng chài An Xá vào một ngày đầu thu, khi mặt trời đang buông dần nơi cuối chân trời. Nhiều người vẫn nói hoàng hôn nơi dòng sông Hồng đẹp lắm. Nhưng ngay giữa dòng sông nước cạn trơ từng ụ đất này thì không thấy thơ mộng đâu cả.
lang-chai-doi-com-khat-chu-tren-con-nuoc-song-hong
Xóm chài An Xá xơ xác khi mùa nước cạn

Đường xuống xóm chài gập ghềnh khó đi. Xe máy chỉ xuống được một đoạn đường, đành phải gửi xe lại, không sợ tí nữa đêm xuống sẽ không thể đưa xe lên được.
Chúng tôi đành chân đất lội qua những vũng bùn lầy lội, bẩn thỉu đến rợn cả người. Đoạn đường đi qua một mùi ôi thối, nồng nặc bốc lên, khiến chúng tôi suýt không chịu được.
Len qua mấy bãi đất cạn người dân tranh thủ thâm canh cây ngô, ngọn khoai lang chúng tôi cũng vào được đến với xóm chài An Xá. Cảnh tượng buổi chiều mùa nước cạn càng làm cho xóm chài trở nên xơ xác, tiêu điều.
Xóm chài An Xá vỏn vẹn có 12 nóc nhà. Gọi là nhà cho sang chứ thật ra đó chỉ là những tấm xốp, thùng phi được ghép lại, đóng cọc cố định gần mép nước. Nhà nào sang thì được 15m2, còn nhà chật thì chỉ 10, 12m2. Xung quanh là những tấm bìa, những tấm nhựa chắp vá chỉ che được nắng, chứ ngày mưa thì nước dột không khác gì ngoài trời.
Lối vào của mỗi thuyền mỗi khác. Có nhà bắc cây cầu khỉ, đánh đu giữa dòng sông, có nhà thì làm thuyền để đi lại. Thuyền cũng do người dân tự chế từ những tấm xốp chứ đâu có tiền mà mua.
Nói là vạn chài vì họ sống dưới thuyền, dưới nước chứ kì thực trong số hơn 10 nóc nhà xóm làng chài An Xá không có mấy người làm nghề chài lưới. Họa chăng những ngày nước xuống, mấy người đàn ông trong xóm mới đi câu cá hay đặt vó bè. Con cua con cá bắt được cũng chẳng là bao.
Cái xóm chài này lạ lắm, chỉ toàn là đàn bà con gái với trẻ con thôi, chứ cả xóm mới thấy bóng dáng của 2 người đàn ông thôi. Họ bảo đàn ông ở đây sợ nghèo bỏ đi hết rồi.
lang-chai-doi-com-khat-chu-tren-con-nuoc-song-hong
Những đứa trẻ làng chài An Xá hồn nhiên đùa nghịch bên cạnh đống rác thải
Nghèo đói là thế, nhà cửa không có là thế vậy mà nhà nào cũng thấy 3,4 đứa trẻ con. Không học hành, không công việc rồi cái nghèo chắc chắn là di truyền từ đời cha mẹ sang đời mấy đứa trẻ.
Những người làng chài sống nhờ vào việc đi bới những đống rác thải để kiếm mảnh nhựa, vỏ chai, ai có chút vốn mới đi làm đồng nát. Những người có sức khỏe một chút thì đi gánh hàng thuê ngoài chợ Long Biên. Nghề gánh hàng thuê ấy cực mà chẳng kiếm được là bao.
Cuộc sống kiếm ăn của xóm chài này về đêm mới thật tấp nập. 9h tối, người dân kéo nhau lên chợ Long Biên kiếm cơm. Cả những đứa trẻ sáng phải đi học nhưng cũng tranh thủ đi theo mẹ để đẩy xe kéo. Ban đêm cả xóm chỉ có mấy đứa trẻ con bé quá không làm được gì mới chịu nằm nhà ngủ. 3h sáng họ lại lục tục kéo nhau về thuyền ngủ.
Mỗi đêm đi bán sức như thế họ chỉ kiếm được vài ba chục nghìn để sáng mai đi đong gạo, mua lạng thịt. Những ngày không được người ta thuê thì bọn trẻ chỉ có bụng đói mà đi học.
Không hộ khẩu, không nhà cửa, miếng ăn phải chạy vạy từng ngày, lênh đênh trên sông nước nên những đứa trẻ làng chài này vừa đói cơm lại vừa khát chữ. Chúng không được đi học đàng hoàng. Hầu hết những đứa trẻ ở đây bắt đầu đến lớp khi chúng đã lên 9, lên 10 tuổi.
Cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám để đe dọa cắt đứt quãng sự học hành của chúng. Ở xóm này đứa trẻ nào may mắn thì được học hết lớp 6, lớp 7. Còn hầu hết khi chúng vừa biết mặt chữ, biết nhận đồng tiền là phải nghỉ học theo mẹ đi làm thuê. Một tương lai không mấy sáng lạng lại đang chờ đợi các em.
Mấy đứa trẻ Quân, Hiếu, Hà, Nhi, Lĩnh từ các thuyền tụ tập nhau trên bãi đất, cạnh đống rác thải chơi đánh bi, đánh bài. Chúng vẫn chưa ý thức hết cái nghèo khổ của mình nên vẫn hồn nhiên, tươi vui lắm. Chúng có một ước mơ thật đẹp: “Bọn em chỉ ước mơ ngày nào cũng có cơm ăn và được đi học”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại