Tính đến thời điểm hiện tại, làng có khoảng gần 1.000 nhân khẩu, trên 250 hộ, làng nằm giáp quốc lộ 1A, cách trung tâm TP Thanh Hóa 6 km về phía Nam.
Cuộc sống của người dân trong làng chủ yếu dựa vào nghề nuôi và buôn bán cá giống.
Đàn ông, trai tráng trong làng theo nghề cha ông làm nghề cá, phụ nữ lam lũ với ruộng đồng. Nhà nào cũng có vài, ba cái ao, nhà ít nhất cũng là một cái, chủ yếu thả các loại cá trôi, mè, trắm, gáy (cá chép) và chủ yếu là nuôi cá bán giống. Cá được đóng bì nilon, bơm khí ô-xi đưa đi bán khắp các vùng trong tỉnh, từ miền xuôi lên miền ngược, thậm chí được đưa vào các tỉnh khu vực miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp - ngày tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, cá chép làng Tân Cổ lại tỏa đi khắp các nẻo đường xuôi ngược phục vụ nhu cầu mua cá thả sông của người dân.
Những năm gần đây, mặc dù nghề cá đã có phần thu hẹp, nhưng truyền thống bán “cá ông Công, ông Táo” của làng thì vẫn được giữ nguyên. Cả cái tết ấm no của các gia đình nơi đây hầu như trông chờ cả vào tiền bán cá trong “ngày ông Công, ông Táo” này.