Làng Vĩnh Hòa nằm kéo dài trên tỉnh lộ 538, thuộc địa bàn xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Người dân xứ Nghệ ít ai không biết đến ngôi làng này bởi trong chiến tranh, người dân nơi đây đã rất kiên cường với nhiều thành tích chống ngoại xâm, còn trong thời bình họ lại là tiên phong về cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế.
Cứ mỗi độ xuân về làng bánh Vĩnh Hòa lại nhộn nhịp lạ thường. Đây vốn là vùng quê chuyên làm bánh.
Thương hiệu làng bánh được hình thành từ rất nhiều năm trước, bí kíp làm bánh được lưu truyền do cụ cố Lê Thị Hiền, người trong làng để lại. Bánh nơi đây mang một đặc trưng riêng bởi sự thơm ngon, dẻo dai của chiếc bánh.
Khi đất nước còn chia cắt, người làng Vĩnh Hòa kiên cường bất khuất đứng lên đào hầm, lập chông đánh giặc.
Đất nước hòa bình, một số người trong làng đã biết chế biến gạo nếp thành các loại bánh để thưởng thức sau những vụ mùa. Đến khi được buôn bán công khai, nhà nào cũng xem làm bánh như một nghề để kiếm sống. Và thế là làng bánh Vĩnh Hòa ra đời từ đó.
Năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An chính thức công nhận Vĩnh Hòa là làng nghề làm bánh, thương hiệu bánh nơi đây càng vang xa và sản phẩm có mặt ở hầu khắp các địa phương của tỉnh.
Làng được mệnh danh là xứ sở của các loại bánh, ngoài bánh chưng và bánh cuốn đã trở nên quá nổi tiếng, họ còn làm các loại bánh khác như bánh đúc, bánh gói, bánh gai…
Từ người trẻ cho tới cụ già đều tham gia gói bánh. Ngoài phục vụ tết gia
đình, người dân nơi đây còn chuyên gói bánh để bán sỉ, lẻ.
Hàng chục năm nay, cứ khoảng 3h sáng là gần như tất cả các ngôi nhà ở Vĩnh Hòa đều đỏ đèn.
Từ các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn, họ bắt đầu thực hiện những công đoạn cuối cùng để cho ra sản phẩm mới.
Đến khoảng 4h sáng, xe ô tô, xe máy dựng khắp đường làng để chờ những chiếc bánh ra lò và mang đi bán. Tiếng người hòa với tiếng xe cộ khiến cho Vĩnh Hòa lúc mờ sáng giống như một thành phố thu nhỏ với sự sôi động đến lạ kỳ.
Ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa cho biết: “Bánh ở đây đã có thương hiệu từ lâu, mỗi ngày có hàng chục ngàn các loại bánh được xuất đi nên hoạt động kinh doanh buôn bán trở nên rất tấp nập.
Nhờ đó, thu nhập của các gia đình hiện nay ít nhất phải 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống của người dân tăng lên đáng kể”.
Khu làng sầm uất và nhộn nhịp bởi những chuyến xe vào ra mua bánh, điều khác biệt nữa, 100% dân số trong làng là người công giáo theo đạo thiên chúa.
Cũng chính tại đây, đồng bào đã sáng tạo ra nhiều hoạt động để nâng cao cuộc sống và tạo mối đoàn kết toàn dân. Công tác vệ sinh môi trường được thường xuyên duy trì tạo nên không khí trong lành và sạch sẽ.
Bánh chưng và bánh tét (bánh dài) sản xuất ở làng Vĩnh Hòa nổi tiếng thơm ngon, chất lượng.
Là thương hiệu đã tạo lập được từ hàng chục năm nay nên cứ đến dịp Tết hay các ngày lễ cổ truyền, làng Vĩnh Hòa như vào hội.
Chuẩn bị đón tết nguyên đán, người trong làng đã rục rịch chuẩn bị nguồn nguyên liệu như gạo nếp, đỗ. Do lá chuối dùng để gói bánh ngày càng hiếm nên nhà nhà đã ra quân tìm nguồn lá, thậm chí là đặt hàng để có đủ lá phục vụ cho nhu cầu tăng cao ngày tết.
Nhiều cơ quan tổ chức đặt bánh Vĩnh Hòa làm quà từ thiện ở những dịp như thế này. Mỗi đợt tết về người làm bánh chưng ỏ đây dù phải tấp nập, vất vả để cung ứng đủ bánh cho các đơn đặt hàng và thu nhập của họ cũng cao hơn ngày thường từ 15 - 20 triệu/1 gia đình.
Nhiều gia đình giàu lên nhờ nghề truyền thống này. Trong ảnh là một góc làng bình yên của làng Vĩnh Hòa
Ngoài cái tên Vĩnh Hòa, làng còn mang tên là “làng 3 giờ sáng” (giờ các nhà đỏ đèn hàng ngày). Vùng đất này cũng là nơi tiên phong trong phong trào xuất khẩu lao động, nhiều người đổi đời có cuộc sống khá giả, làng lại mang tên làng “triệu phú”.
Ngoài ra làng cũng được gọi một cái tết khác rất hãnh diện là “làng đại học”. Nhiều người học tập thành tài, phong trào học nở rộ, các dòng họ đều ưu tiên phát triển quỹ khuyến học. Con cháu trong làng đều cố gắng học tập thành tài, đông đảo con em của làng hiện này là thạc sĩ, giáo sư và cử nhân đại học làm việc ở khắp đất nước.
Rời làng bánh Vĩnh Hòa, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng câu hát “Ai về xứ Vĩnh quê tôi, nhớ mua lá chuối mình đùm bánh chưng”. Đó cũng là câu ca cửa miệng cũng là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân nơi đây.