Để xảy ra những tai nạn nghiêm trọng trên, không thể đổ lỗi cho sự rủi ro hay kém may mắn mà phải khẳng định, các cơ quan quản lý du lịch tỉnh này đã hời hợt, buông lỏng, thậm chí có phần vô trách nhiệm trong quản lý.
Hệ quả của làm du lịch… hời hợt
Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT-DL) tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với Công ty TNHH Du lịch Đam Mê Đà Lạt (Dalat Passion), địa chỉ số 33 Trương Công Định (TP. Đà Lạt).
Đây là công ty đã tổ chức tour du lịch đến thác Datanla cho 3 du khách người Anh khiến họ tử nạn.
Du khách nước ngoài tham gia du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác tại Thác Datanla
Theo ông Mai Viết Đảng, Chánh Thanh tra (Sở VHTT-DL Lâm Đồng), nguyên do, đơn vị này đã vi phạm một số quy định là tổ chức tour nhưng lại không mua bảo hiểm cho du khách, khách đăng ký tour đi bộ băng rừng nhưng lại để du khách lội nước dẫn đến tai nạn chết người.
Bên cạnh đó, hướng dẫn viên đã không thực hiện theo đúng yêu cầu trong gói du lịch. Khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn du khách đi bộ băng rừng tại Khu du lịch Thác Datanla nhưng lại để khách thả mình trôi theo dòng nước dẫn đến tai nạn.
Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), đơn vị quản lý thác Datanla cũng đã tạm dừng các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác Datanla.
Theo lãnh đạo Dalat Tourist lý giải, sau vụ tai nạn khiến 3 du khách Anh thiệt mạng, các hướng dẫn viên bị sốc, công ty tạm nghỉ để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi, ổn định về mặt tâm lý.
Đồng thời, khu du lịch tạm dừng hoạt động để rà soát lại các thiết bị phục vụ du lịch thể thao mạo hiểm trong khu vực thác nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
Sau vụ tai nạn, Sở VHTT-DL Lâm Đồng đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá lại hoạt động du lịch trên địa bàn và tìm giải pháp. Tại buổi làm việc này, những yếu kém trong quản lý du lịch của địa phương đã “lộ” ra.
Thậm chí một giám đốc công ty du lịch chua chát: “Có tour mạo hiểm số người tham gia 20 khách nhưng chỉ có 2 hướng dẫn viên thì khi xảy ra bất trắc sao xử lý kịp”.
Một lãnh đạo doanh nghiệp làm du lịch mạo hiểm lâu năm, có kinh nghiệm cho rằng, cách làm du lịch mạo hiểm hiện nay khá hời hợt.
Du khách khi tham gia vào các tour du lịch mạo hiểm là liều mạng, đánh cược mạng sống của mình cho công ty du lịch, đơn vị quản lý khu du lịch, bởi chẳng có một cơ quan nào đứng ra kiểm tra, thẩm định cơ sở vật chất, công cụ bảo hộ khi du khách tham gia tour mạo hiểm.
Bà Nguyễn Thị Nguyên (Giám đốc Sở VHTT-DL Lâm Đồng), thẳng thắn nhìn nhận, trên địa bàn có 8/12 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm.
Do cạnh tranh thiếu lành mạnh nên các công ty được cấp phép liên tục hạ giá tour, và hệ lụy đi kèm là các dịch vụ đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch bị cắt xén.
“Mất bò mới lo làm chuồng”!
Trước cú “sốc” từ du lịch Lâm Đồng, cơ quan quản lý du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên cũng rục rịch họp rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương mình.
Trao đổi với bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Lắk), bà cho biết lãnh đạo sở này vừa họp quán triệt công tác quản lý, yêu cầu các địa phương trong tỉnh, các điểm kinh doanh du lịch phải kiểm tra, rà soát lại hoạt động du lịch để đảm bảo an toàn về mọi mặt, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
“Trước đây Đắk Lắk cũng có khảo sát, tính làm du lịch mạo hiểm tại Thác Gia Long (còn gọi Thác Dray Sáp Thượng), nhưng do thủy điện chặn hết nước nên dự định này đã không thành” – bà Hiếu cho hay.
Theo bà Hiếu, Đắk Lắk hiện có 14 điểm, khu du lịch. Tất cả các điểm du lịch này đều có liên quan đến sông, hồ, thác nước. Tuy không có hình thức du lịch mạo hiểm, nhưng không thể chủ quan, bởi trong nhiều loại hình du lịch khác cũng luôn tiềm ẩn rủi ro.
Minh chứng cho điều này, cách đây không lâu, tại Thác Dray Nur đã có hai thanh niên đi chơi thác bị nước cuốn tử vong đúng vào ngày mùng 2 tết.
Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cần có sự thay đổi toàn diện về chất lượng dịch vụ
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTT-DL Lâm Đồng) cho biết, hình thức du lịch mạo hiểm manh nha tại Lâm Đồng đã từ nhiều năm, tuy nhiên mới nở rộ khoảng chừng hai năm nay.
“Hiện chưa có thông tư nào từ Bộ VHTT-DL hướng dẫn cụ thể việc quản lý về du lịch mạo hiểm. Sắp tới sở sẽ có văn bản, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế tạm thời để quản lý hoạt động du lịch này.” – ông Huy cho hay.
Theo ông Huy hoạt động du lịch mạo hiểm mang tính rủi ro rất cao, đòi hỏi ngoài các hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ quốc tế, còn phải có huấn luyện viên hoặc tư vấn viên hướng dẫn.
“Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã thuê chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết được.
Sở đang đề nghị có các chương trình đào tạo, cấp bằng huấn luyện viên cho các hướng dẫn viên, người làm du lịch ở các khu du lịch” – ông Huy thông tin.
Ông Lê Hoàng Cơ – Giám đốc Công ty du lịch và thương mại Đam San (Đắk Lắk), người có nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch chia sẻ:
Du lịch mạo hiểm hay trekking (đi bộ xuyên rừng) là những loại hình du lịch đặc thù, mang tính rủi ro rất cao.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này bắt buộc phải mua bảo hiểm. Ngoài ra, phải đầu tư rất nhiều loại thiết bị bảo hộ chuyên dụng an toàn như áo phao, mũ bảo hiểm, dây, móc…
“Nguyên tắc làm du lịch mạo hiểm, doanh nghiệp bắt buộc phải mua bảo hiểm. Đối với du khách, khi vào khu du lịch phải mua vé, bởi trong vé đã có bảo hiểm.
Khi du khách đã mua vé thì không thể nói họ đi chui được. Khi khách đã vào khu du lịch, người quản lý phải có trách nhiệm.
Như trường hợp du khách Belarus, quản lý bảo anh ta đã uống rượu, không chịu mua vé nhưng vẫn để cho vào. Nhỡ họ say rượu quậy phá thì sao. Lỗi này thuộc về quản lý và anh ta phải chịu trách nhiệm.
Hay trường hợp, 3 du khách Anh mua vé trekking, nhưng lại để du khách đùa giỡn dưới nước, làm du lịch như vậy là thiếu chuyên nghiệp, xảy ra hậu quả thì tất cả từ hướng dẫn viên đến công ty tổ chức đến quản lý khu du lịch đều phải chịu trách nhiệm.
Làm du lịch như vậy là thiếu chuyên nghiệp.” – ông Lê Hoàng Cơ chia sẻ.