Trong luật tục của người K’ho, hành vi ngoại tình là hành vi cực kỳ nghiêm trọng và tối kỵ nhất. Những người phạm vào điều này sẽ bị cộng đồng trừng phạt nặng nề bằng những vật phẩm phạt vạ thích đáng.
Trước đây, hầu hết những trường hợp trót một lần “ăn vụng”, sau khi bị phạt vạ đã trở nên khuynh gia bại sản, thậm chí suốt đời không thể trả hết nợ vì phải đi vay để nộp vạ và làm hòa.
Già làng K’Tiếu, thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, người đàn bà K’ho ngoại tình trước khi hết tang chồng thì phải nộp phạt cho gia đình người chết 6 con trâu, 1 áo, 1 mền, 1 vòng đeo cổ, và làm lễ giao hòa phải nộp thêm một ché rượu, 1 con vịt và 1 con gà mái. Chẳng may người chồng qua đời, vợ chỉ được tái giá trước thời hạn ấn định khi cha mẹ người chồng quá cố cho phép.
Trong cuộc sống, không ít người chị dâu không thể cưỡng lại sức quyến rũ của em chồng, nhiều người đã tìm cách mê hoặc em chồng và đưa ra ngoài nằm bờ ngủ bụi với nhau. Khi bị cộng đồng phát hiện, tất nhiên họ sẽ bị coi là tội ngoại tình. Chiếu theo luật tục, người đàn bà phải nộp vạ và làm hòa với những vật phẩm rất nặng. Nếu không đủ sản vật để nộp thì bị cộng đồng coi thường, khinh bỉ vô cùng.
Luật tục của người K’ho cũng rất công bằng, người nào tố cáo người khác phạm tội ngoại tình mà không có chứng cứ để chứng minh sự xác thực của lời tố cáo thì phải làm hòa bằng cách nộp một ché rượu, 1 con gà mái và 1 đồng bạc bồi tường danh dự cho người bị vu khống.
Người chồng đã lập gia đình mà có con với một người đàn bà khác thì phải nộp cho người vợ bị phản bội 6 con trâu, 2 con dê, 1 con gà mái, 1 ché rượu, 1 cái áo, 1 vòng đeo cổ, còn cô nhân tình thì phải nộp 6 con trâu.
Trai gái quan hệ tình cảm với nhau đến khi có con thì buộc phải lấy nhau. Nếu chàng trai từ chối thì phải bồi thường 2 trâu, 2 ché rượu, 1 con dê, 1 con vịt, 1 con gà mái cho người đã ăn nằm với mình.
Trước đây, luật tục của người K’ho cũng cho phép chủ gia đình ăn nằm với con nợ. Sau cuộc “mây mưa”, con nợ nghiễm nhiên được coi như đã trả hết nợ.
Thiếu nữ K’ho ngày nay
Ngoại tình trong cộng đồng người K’ho được xác định là một tội lớn, bị trừng phạt nặng nề, do đó hành vi ngoại tình và ly hôn của người K’ho rất ít khi xảy ra.
Trường hợp đặc biệt phải ly hôn thì những người ly hôn phải chịu phạt và phải được bố mẹ, già làng chấp nhận. Con cái trong gia đình người K’ho theo họ mẹ, được thừa kế những tài sản trong gia đình. Trong gia đình quyền hành phần nhiều thuộc về người phụ nữ.
Với người K’ho ở huyện Di Linh (Lâm Đồng), nếu không may chồng chết thì không có sự phân biệt giữa tài sản hình thành trước và sau hôn nhân, người vợ làm chủ tất cả. Vợ chết chỉ có con gái mới được hưởng thừa kế, nếu không tất cả tài sản đó thuộc về gia đình bên vợ. Người chồng góa cũng được hưởng ít nhiều tài sản nhưng không có quyền đòi hỏi mà do sự tự nguyện của bên vợ.
Đặc biệt, luật tục của người K’ho quy định, con nuôi không có quyền được nhận thừa kế nhưng con hoang lại được hưởng quyền thừa kế của cha mẹ để lại.
Luật tục của người K’ho còn quy định nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Con cái không được mắng chửi cha mẹ. Nếu mắng chửi cha mẹ phải hòa giải bằng một ché rượu. Còn khi đã phạm tội đánh đập cha mẹ thì phải xin lỗi và hòa giải bằng một ché rượu và một cái áo dài.
Mặt khác, luật tục K’ho cũng quy định trách nhiệm của cha mẹ đối vơi con cái. Trường hợp “con dại cái mang” cha mẹ phải bồi thường những thiệt hại do con mình gây ra. Nếu con cái vi phạm luật tục phải chịu phạt tùy theo tội. Cha mẹ nào mà khuyến khích con đi ăn trộm thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của con mình và phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Người K’ho xưa xử phạt nghiêm khắc hành vi ngoại tình
Có thể thấy, luật tục của người K’ho mặc dù ra đời từ rất sớm nhưng bên cạnh những hình thức phạt vạ nặng nề họ đã có được những điều tiến bộ vượt trội, đặc biệt là những quy định về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ và ngược lại.
TS. Nguyễn Tuấn Tài, nguyên Trưởng khoa Công tác Xã hội và Phát triển cộng đồng, Trườngđại học Đà Lạt, cho biết, luật tục tư cách là góp phần vào quản lý cộng đồng, vì thế nó cũng biến đổi cùng với xã hội.
Chính trong giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt hiện nay, luật tục của các tộc người Tây Nguyên cũng đã và đang từ chuyển mình điều chỉnh. Kết hợp giữa luật tục và luật pháp trong việc quản lý cộng đồng. Mà trong sự kết hợp này, bên cạnh những điều phù hợp thì cũng không tránh khỏi những bất cập, xung đột, thậm chí là trái ngược nhau.
Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng pháp luật được sự hỗ trợ đắc lực của luật tục, vì các quyền chủ thể mà luật tục cho phép, chẳng hạn pháp luật nước ta ghi nhận công dân có quyền sư dụng tài sản riêng như: nhà, trâu, bò …thì đối với việc thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề này được các đồng bào tiếp nhận nhanh chóng, triệt để vì bản thân luật tục cũng thừa nhận và cho phép điều này.
"Bên cạnh những điểm tốt thì luật tục và các hoạt động của các tòa án phong tục không phải không có những điểm xấu, nhiều địa phương, buôn làng quá sa đà vào việc sử dụng quy phạm của luật tục mà làm kiệt quệ đời sống nhân dân.
Chính vì vậy với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền thì tạo điều kiện cho pháp luật được thực hiện rộng rãi, sát thực đời sống, cũng như duy trì được luật tục tiến bộ phù hợp với đời sống, luật hóa những quy phạm luật tục mang tính tích cực" - TS. Nguyễn Tuấn Tài cho biết.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người K’ho ở Việt Nam có dân số 166.112 người, cư trú tại 46 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người K’ho cư trú tập trung tại các tỉnh: Lâm Đồng với 145.665 người, chiếm 12,3 % dân số toàn tỉnh và 87,7 % tổng số người K’ho tại Việt Nam.