Ký ức loang lổ những vệt máu của cô bé mồ côi

Tín Nhi |

(Soha.vn) - Trái tim của Hạnh Nhi đã hóa thành đá. Từ lâu lắm rồi, cô bé không được ngủ vùi trong vòng tay của mẹ...

Xoảng... Xoảng... hai chai thủy tinh đựng axit trong phòng thí nghiệm rơi xuống đất vỡ tan. Thứ hóa chất nóng bỏng ấy đang chảy tràn trên đôi chân vốn đầy những vết sẹo của Hạnh Nhi. Thịt da đã tấy đỏ nhưng Hạnh Nhi không khóc, đôi môi em mím chặt.

Bạn cùng lớp vội vàng đưa Hạnh Nhi lên phòng y tế. Gương mặt lầm lỳ của cô bé vừa tròn 18 tuổi trong giây phút ấy bỗng hóa thành đá.

Hạnh Nhi lên Hà Nội đã được 4 tháng. Với em, ấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất trên đời - thứ hạnh phúc lạ lùng và lẫn cả nỗi hoang mang, sợ hãi của cô bé mồ côi mẹ.

Hạnh nhi sinh ra trong một gia đình trí thức ở miền quê chiêm trũng. Mẹ cô là giáo viên còn bố là cán bộ địa chính huyện. Dưới Hạnh Nhi còn có một cô em gái nữa, nghỉ hè năm nào hai chị em cũng được cùng nhau lên xã, lên huyện nhận phần thưởng học sinh giỏi.

Nhưng bấy nhiêu điều tốt đẹp cũng chẳng đủ để hàng xóm thôi xì xèo về gia đình em. Bố Hạnh Nhi nổi tiếng là một người chồng vũ phu. Người đàn ông ấy dữ đòn bao nhiêu thì mẹ em lại cam chịu bấy nhiêu.

Chửi bới và đánh đập vợ đã thành một phần trong cuộc sống của người đàn ông ấy. Trong ký ức của Hạnh Nhi, những cuộc"trò chuyện" của bố với mẹ có lẽ chỉ toàn những tiếng nói lọt qua kẽ răng đã nghiến chặt.

Mẹ đã ra đi mãi mãi...

Hạnh Nhi không sợ máu, cô bé còn rất giỏi băng bó vết thương... Đó là những phản xạ có điều kiện được hình thành theo thời gian khi em phải lớn lên trong căn nhà đầy rẫy những đòn roi, bên cạnh người mẹ hiền lành, chân tay nhằng nhịt những vết sẹo...

Dù là lần đầu tiên xa nhà nhưng đã bốn tháng nay, cô bé cứ ở biệt trên Hà Nội, Hạnh Nhi không muốn trở về nhà. Đã từ lâu, mẹ em không còn có ở đấy nữa để em được lấy khăn ướt lau những vệt máu trên thân thể bà. Mẹ đã vĩnh viễn ra đi giữa một đêm đông đầy mưa gió...

Đêm hôm ấy, khi hai chị em Hạnh Nhi đang rúc dưới nách mẹ lim dim ngủ thì bố em giọng lè nhè xô cửa bước vào. Ông đã uống rất say ở một cuộc nhậu nào đó với các "chiến hữu" và giờ thì về làm tình làm tội ba mẹ con.

Người đàn ông vũ phu ấy vớ lấy chiếc đèn dầu trên tủ thờ đập tan giữa nhà rồi vào giường lôi mẹ em dậy nhiếc móc thậm tệ.  Thế rồi đột nhiên, ông lao cả cái chổi chít ướt nhẹp nước mưa vào mặt vợ.

Tiếng chửi bới chói tai, tiếng đồ vật trong nhà rơi loảng xoảng, tiếng sủa động làng của lũ chó nhà hàng xóm khiến chị em cô bé chẳng thể ngủ yên.

Người đàn ông hung tợn lôi mẹ em ra sân và ném vào mặt bà những lời nguyền rủa vô lý. Ông luôn bị ám ảnh bởi những mối quan hệ của bà đồng nghiệp ở trường. Ông vin vào đấy để nói mẹ em là "loại chẳng ra gì", là "con đàn bà không chính chuyên".

Thế rồi bao nhiêu đớn đau, bao nhiêu uất nghẹn trong người mẹ em bùng lên như ngọn lửa gặp gió lớn. Bà chạy ra khỏi nhà, giữa mưa gió rét buốt.

Hạnh nhi đuổi theo mẹ... Chỉ trong tích tắc trước mắt cô bé toàn một màu đỏ tươi, mùi thịt da thơm nồng của mẹ cô lẫn với mùi máu tanh nồng tỏa lan trong sương đêm. Mẹ Hạnh Nhi nằm đó dưới gầm xe tải, những lọn tóc bết máu xòa ra quyện vào bùn đất dưới đường cái...

Sau đêm ấy, Hạnh Nhi trở thành đứa con mồ côi mẹ... Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi đi, em cầm tù bản thân mình trong chính căn nhà lạnh lẽo với em gái nhỏ và người đàn ông mà Nhi không bao giờ muốn gọi là cha.

Ký ức trong Hạnh Nhi giờ đây chỉ toàn những vệt máu đỏ loang lổ, những cái cắn răng câm nín của mẹ và cả những tiếng chửi cay độc lọt qua kẽ răng của bố.

Trái tim cô bé đã đóng băng vì thế chút axit trong chiếc lọ thủy tinh kia chẳng là gì để khiến mặt em phải biến sắc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại