Kỹ sư Tạch sai rồi, bình xăng không thể nổ chết người?

camnhung |

Xăng không phải là vật liệu nổ, nếu bị cháy, nó chỉ làm nứt bình chứ không thể làm vỡ tan cả chiếc xe gắn máy.

Một kỹ sư khai thác mỏ, từng phụ trách công tác nổ mìn phá đá nhiều năm, sau khi đọc ý kiến của kỹ sư Tạch nói về vụ nổ xe Honda làm chết một thai phụ, bị thương một bé gái ở Bắc Ninh, đã gửi đến bài viết với các phản hồi trái ngược.

Nuyên văn bài phản hồi của quý độc giả này:

“Phát biểu của kỹ sư Tạch đã xem bình xăng như một “quả bom”, ngòi dẫn làm cháy “quả bom” là vòi phun xăng. Lửa theo ngòi dẫn vào đốt cháy xăng trong điều kiện kín hơi làm bình xăng phát nổ gây thảm họa.

Phát biểu này theo tôi là không đúng, kỹ sư Tạch sai rồi. Là một kỹ sư khai thác mỏ, từng phụ trách công tác nổ mìn phá đá nhiều năm, có một số kiến thức về nổ, tôi xin có đôi lời phản bác kỹ sư Tạch như sau:

Thực tế đã có nhiều vụ xe bốc cháy nhưng chưa có vụ nào phát nổ kinh hoàng như vậy (ảnh minh họa)

Trước hết xin phân biệt 2 hiện tượng nổ: nổ vật lý và nổ hóa học. Khi ta bơm một bánh xe căng quá, bánh xe phát nổ, ấy là nổ vật lý. Khi ta châm ngòi một quả mìn cho phát nổ, ấy là nổ hóa học.

Nổ vật lý thì không xảy ra phản ứng hóa học nào, năng lượng rất yếu, còn nổ hóa học thì bắt buộc phải xảy ra phản ứng hóa học và chỉ có nổ hóa học mới có năng lượng mãnh liệt.

Nổ hóa học đòi hỏi các điều kiện:

- Phản ứng xảy ra cực nhanh;

- Giải phóng lượng khí khổng lồ trong tích tắc;

- Tỏa nhiệt cực lớn.

Đạt 3 điều kiện ấy mới gây phản ứng cháy-nổ. Nếu không thì chỉ là phản ứng cháy bình thường sau đó là nổ vật lý do chênh lệch áp suất.

Một chất đáp ứng 3 điều kiện ấy gọi là vật liệu nổ. Chúng có thể ở dạng lỏng hoặc dạng rắn. Với dạng rắn, đa phần là phải kích nổ nó mới nổ.

Xăng không phải là một loại vật liệu đáp ứng 3 điều kiện nói trên. Nếu bị cháy, nó chỉ giải phóng ra một lượng khí nhỏ. Lượng khí này chỉ đủ gây nên tiếng bụp nhỏ, làm nứt bình xăng theo kiểu nổ vật lý, chứ không thể có đủ năng lượng để làm vỡ tan cả chiếc xe gắn máy, gây thương tích cho người bên cạnh.

Phải là một phản ứng cháy – nổ của một lượng vật liệu nổ nào đó mới đủ năng lượng gây ra hậu quả như thế.

Ở đây xin nói thêm về hiện tượng nổ bình gas. Khí gas không phải là một loại vật liệu nổ nhưng trong bình gas thì khí gas bị nén dưới một áp suất cực cao nên khi bình gas bị cháy, nó cũng xảy ra hiện tượng tương tự là giải phóng lượng khí khổng lồ (khí bị nén dưới áp suất cao trong bình thoát ra khỏi bình trong điều kiện áp suất thường sẽ tạo nên lượng khí khổng lồ), vì vậy cũng tạo năng lượng lớn tương tự phản ứng cháy – nổ (nhưng nó vẫn không được coi là phản ứng cháy – nổ, chẳng qua nó ở trong trạng thái đặc biệt là bị nén dưới áp suất cao).

Có lẽ kỹ sư Tạch đã xem trường hợp cháy bình xăng tương tự cháy bình gas nên nhầm lẫn.

Ngoài ra tôi thấy trong chiếc xe gắn máy không có thứ gì khác có thể gây nên một phản ứng cháy - nổ nữa. Tôi vẫn nghiêng về giả thuyết vật liệu nổ được đưa từ bên ngoài vào. Với vật liệu nổ thể lỏng, không phải dễ dàng nhận ra sự có mặt của nó sau vụ nổ".

* Tiêu đề do VTC News tạm đặt

Bùi Quang Vinh

Theo VTC.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại