Kỳ quái chuyện “hầu đồng”: 9X, 10X phải bán nhà, bỏ xứ

Dấn thân vào thế giới “đồng cốt” một cách thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ 9X, 10X đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Nhiều người trong số họ đã trở thành con nợ bất đắc dĩ hoặc khiến gia đình tan nát, phải trốn khỏi quê hương bản quán đến những miền đất lạ mưu sinh.

“Đọ” giàu sang trên những chiếu hầu

Cung văn Nguyễn Văn M. (26 tuổi) ở Đống Đa, Hà Nội, người từng hát cho rất nhiều đám hầu mà nhân vật chính là các cô cậu tuổi 9X, 10X đã phải “sốc” không biết bao nhiêu lần khi chứng kiến số tiền những người trẻ này “vung” trên các chiếu hầu.

“Dân 9X hầu còn “chịu chơi” hơn cả các bậc phụ huynh. Tôi chứng kiến rất nhiều vấn hầu hàng trăm triệu, thậm chí có cả vấn hầu tiền tỷ. Nếu chịu khó theo dõi ở các đền lớn như đền Quốc mẫu Tây Thiên (Vĩnh Phúc), đền Ghềnh (Long Biên), đền Lộ (Thanh Trì), đền Sòng (Đống Đa), đền Cây Quế (Cầu Giấy), đền Kim Giang (Thanh Xuân)… thì tháng nào ở đây cũng có các đám hầu của người trẻ. Và nhìn vào cách hầu của từng người sẽ biết ai là dân “hầu đồng” đúng nghĩa, ai là dân a dua theo phong trào và “chịu chơi” chỉ là cách để họ có được một chút tiếng tăm”– M. tiết lộ.

Sự chịu chơi của thanh đồng 9X, 10X theo như M. thể hiện ở việc sắm lễ, sắm mã, thuê cung văn và phát lộc. Thanh đồng Ngô Văn D. (39 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, mỗi vấn hầu đồng “bình dân” thường chỉ dao động từ 50 đến 200 triệu, từ 200 triệu đến 500 triệu đã được xem là “chịu chơi”, 500 triệu trở lên đến hàng tỷ đồng thì chỉ có các đại gia mới hầu được. Thế nhưng, các vấn hầu “chịu chơi” ngày nay xuất hiện tương đối phổ biến ở các đền lớn và trong số đó có không ít là các “cô, cậu” 9X, 10X.


	Một buổi hầu đồng. (Ảnh: Internet)

Một buổi hầu đồng. (Ảnh: Internet)

Theo lời kể của thanh đồng Ngô Văn D. thì cách đây 5 tháng, ông đã chứng kiến một đám hầu ở đền Lộ của một nữ thanh đồng họ Nguyễn, sinh năm 1992. Thanh đồng này đang theo học một trường đại học khá danh tiếng ở Hà Nội và đã 2 lần hầu đồng. Với ông D. đám hầu của nữ thanh đồng 9X này là đám hầu lớn nhất từ trước tới nay ông được thấy. Toàn bộ đồ lễ của thanh đồng này đều là hàng ngoại. Từ bánh kẹo, bia, rượu, thuốc, hoa quả... đều dán nhãn Thái Lan. Khăn áo của đám hầu cũng không sử dụng đồ có sẵn của đền mà được đặt may mới từ trước đó hàng tháng. Cung văn của đám hầu là những tên tuổi gạo cội trong làng hát văn miền Bắc. Riêng tiền phát lộc, nữ thanh đồng 9X này chi tới gần 200 triệu. Sau khi lễ hầu kết thúc, ông D. được một cung văn tiết lộ, số tiền họ nhận được trong đám hầu cả tiền công lẫn tiền lộc là 120 triệu đồng/một người.

Mất nhà, ôm nợ vì hầu đồng

Nhiều “đồng thầy” là những người đã theo hầu đồng lâu năm khẳng định, đây là một loại hình tín ngưỡng tâm linh khó lý giải. Tuy nhiên, nếu ai mang tâm lý phải “trình đồng mở phủ” để Mẫu – Thánh sớm cho đổi đời, đã giàu sang sẽ phú quý hơn hoặc cầu việc gì được việc nấy, là rất sai lầm. Việc giàu có, đổi đời, may mắn còn tùy thuộc vào cơ duyên, vào phúc đức, vào cách sống tốt hay không tốt, thiện hay không thiện… của bản thân mỗi người ở giữa cuộc đời chứ không phải nhờ vào việc cúng bái. Đã từng có rất nhiều người chăm lễ bái hết đền này đến phủ nọ nhưng do ăn ở không tốt nên vẫn gặp quả báo như thường. Ngược lại, cũng có trường hợp nghèo khó nhưng thiện tâm nên vẫn gặp được nhiều may mắn.

Còn theo thanh đồng Trần Văn B. thì việc đến với hầu đồng một cách tùy tiện theo sở thích của các bạn trẻ 9X, 10X đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Một người bạn của cậu sau 2 năm hầu đồng đã trở thành con nợ, gia đình buộc phải bán đất hương hỏa để “cứu” cậu nhưng rồi cũng phải bỏ xứ vào Tây Nguyên để mưu sinh.

Theo lời kể của B., thanh đồng trẻ Vũ Ngọc T. ở Hà Nam. T. đến với hầu đồng khi còn là một học sinh phổ thông. Trong những lần theo bạn bè đi lễ ở các đền, phủ… nghe nhiều người nói cậu “có căn có số” nên T. đã tìm mọi cách thuyết phục gia đình cho làm lễ “trình đồng mở phủ”. Lúc đầu gia đình ra sức phản đối vì hoàn cảnh khó khăn nhưng do việc tâm linh nên sau một vài “bài dọa” của con trai, mẹ T. đành ngậm ngùi mang sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng để vay tiền cho con làm lễ. Những tưởng sau khi con trai “trình đồng mở phủ”, gia đình sẽ nhiều có nhiều lộc lá hơn. Nào ngờ, cách lễ tạ bách nhật có mấy ngày, bố T. lăn ra ốm nặng. Nghe lời con trai, mẹ T. chạy vạy mượn được một ít tiền để con làm lễ cho bố qua khỏi. Cứ thế, đều đặn một năm 2 lần, bà mẹ vay mượn tiền cho T. hầu đồng. Kết quả, bố T. vẫn qua đời vì bệnh nặng còn gia đình không còn khả năng trả nợ nên bị ngân hàng tịch thu hết toàn bộ đất đai, nhà cửa. Mẹ con T. đành phải trốn khỏi quê nhà vào Tây Nguyên làm nghề hái cà phê thuê để mưu sinh.

Trong giới hầu đồng Hà Nội, nhiều người vẫn truyền tai nhau câu chuyện của thanh đồng V., sinh năm 1992 ở Gia Lâm. V. từng làm lái xe tải chở hoa quả ở chợ Long Biên. Vì là dân đồng tính nên V. có rất nhiều bạn bè trong giới hầu đồng. Nhiều lần tham dự các buổi hầu đồng, V. bị “ghiền” hầu đồng. Lúc đầu V. giấu gia đình, vay mượn tiền nhờ thầy làm lễ mở phủ. Hai năm đầu V. chịu khó “cày cuốc” nên cũng đã trang trải được phần nào nợ nần. Hai năm sau, mỗi năm V. đều đặn hầu 2 lần nhưng do kinh tế khó khăn nên V. không đủ tiền để trả nợ, nên đã vay mượn để hầu đồng. Không còn cách nào khác, V. đành phải bán chiếc xe tải được gia đình sắm cho làm kế sinh nhai để trang trải một phần nợ. Bản thân V. sau đó cũng “dạt” lên cửa khẩu Tân Thanh buôn bán để tránh sự truy đuổi của các chủ nợ.

Trong muôn vàn câu chuyện về hầu đồng 9X, 10X, có nhiều nhân vật vừa kể vừa khóc với phóng viên về câu chuyện của chính họ. Phần lớn trong số họ, vì sở thích nhất thời đã dấn thân vào thế giới hầu đồng bằng sự thiếu hiểu biết, dẫn đến trắng tay, ôm nợ nần, có hối nhưng… đã muộn.

“Thực ra, đối với việc tâm linh, tiền bạc không nói lên được điều gì cả. Việc các thanh đồng trẻ tuổi “đọ” sự giàu sang hoặc mức độ chịu chơi của mình trong những vấn hầu mà bản thân họ không hiểu biết gì về hầu đồng đang là một chuyện khiến nhiều người cảm thấy đau lòng”.

(Thanh đồng Ngô Văn D.)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại