Tại quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những dòng người từ khắp nơi vẫn tiếp tục trở về căn nhà tại làng An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình để dâng hương, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vượt quãng đường hơn 300km từ Đô Lương, Nghệ An, những người con của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị (một trong những anh hùng đầu tiên được phong tặng của QĐND Việt Nam) đã trở về ngôi nhà nơi Đại tướng sinh thành dâng hương, kính viếng.
Chia sẻ trong những giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Phương Lan (46 tuổi) con gái thứ hai của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một người chỉ huy tài ba mà còn một tấm gương rất lớn của bố cũng như anh em bà sau này noi theo, học tập.
"Khi ba tôi còn sống, ông thường kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện, những kỷ niệm về bác Giáp. Bác là người cầm quân tài ba, là chỉ huy của ba tôi. Bác đã chỉ huy ba tôi đánh 95 trận và đánh trận nào, thắng trận đó. Bác Giáp là một người anh cả vô cùng lớn của quân đội và giữa ba tôi với bác rất nặng tình, đó không chỉ là tình cảm giữa người chỉ huy với người lính bình thường, mà đó như tình anh em ruột thịt.
Năm 1967, khi nhận được tin ba tôi bị trúng bom từ trường hy sinh, bác Giáp đã rất buồn. Sau này, khi khánh thành nhà lưu niệm ba tôi tại quê Đô Lương, Nghệ An, bác Giáp đã gửi về một tấm bảng với dòng chữ "Tôi nhỡ mãi người lính anh hùng" và 6 chữ vàng: "Nhanh như sóc, mạnh như hổ".
Và nhân kỷ niệm 30 năm ba tôi hy sinh (1967 - 1997), trên đường trở về quê, bác Giáp đã qua mộ ba tôi tại nghĩa trang Liệt sĩ Đô Lương thắp nhang, tưởng niệm.
4 anh em trong gia đình chúng tôi luôn luôn kính phục bác Giáp và coi bác như người cha kính yêu của mình", bà Lan bùi ngùi.
Bà Lan cũng cho biết, bà đã vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần trong đó 2 lần đến trực tiếp thăm Đại tướng ở nhà riêng tại Hà Nội.
"Năm 1954 khi ba tôi là Trung đoàn trưởng trung đoàn thủ đô thì tôi, lúc đó mới 7 tuổi đã có vinh dự được theo mẹ ra tiếp quản Thu đô. Khi đó, tôi đã được nhìn thấy Bác Hồ, bác Giáp.
Lần thứ 2 tôi được gặp bác Giáp chính là dịp sinh nhật lần thứ 90 của Người vào năm 2000. Khi đó, tôi được bác mời ra tận nhà riêng ở Hà Nội, bác đón tôi cùng con gái tôi vào nhà và ôm tôi, rồi hai bác cháu cùng khóc.
Lần thứ 3, là vào năm 2004, tôi lại được trở ra Hà Nội để thăm bác tại nhà riêng. Lần nào được gặp, bác cũng đều ôm tôi rồi khóc và có những lời căn dặn giản dị, ân tình mà mãi mãi tôi không thể quên được.
Tôi khắc ghi mãi, trong lần gặp vào năm 2004, bác đã dặn dò tôi: con bây giờ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.
Đến chiều 6/10, khi nghe con gái tôi báo tin bác Giáp mất rồi mà tôi không thể tin được, tôi chỉ khóc và không còn biết làm gì nữa. Vẫn biết rằng, bác ra đi khi tuổi đã cao nhưng anh chị em chúng tôi rất thương bác....", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, sau khi nhận được tin Đại tướng từ trần vào chiều 6/10, ngay trong sáng sớm ngày 7/10, hai vợ chồng bà cùng người em trai đã vượt 300km từ Đô Lương (Nghệ An) về ngôi nhà nơi sinh thành Đại tướng tại làng An Xá dâng hương, tưởng niệm.
"Anh trai tôi ở Hà Nội hôm qua cũng đã đến nhà riêng của bác Giáp để dâng hương, tưởng niệm. Còn hôm nay, hai chị em tôi trở về đây để dâng hương, viếng bác. Thực sự là lần đầu được về đây tôi rất xúc động. Đại tướng là một người có những đóng góp rất to lớn cho dân tộc, đất nước nhưng ngôi nhà nơi người sinh thành rất bình dị, đơn sơ.
Chứng kiến cảnh nhà của bác Giáp càng làm cho tôi thêm yêu quí, kính trọng bác nhiều hơn. Tôi mong muốn và sẽ cố gắng để được vào viếng bác khi thi hài bác được đưa về quê hương an nghỉ", bà Lan bày tỏ.
Video: Những giọt nước mắt của con gái anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị vượt 300km về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà.