Theo quan sát của phóng viên, ngôi nhà là một cửa hàng bán mỹ phẩm có tên ETUDE House. Mặt tiền ngôi nhà rộng chừng hơn 10m2 dùng để xe máy của nhân viên và khách hàng.
Phần mặt tiền nối từ ngôi nhà ăn ra sát với mép đường Tôn Đức Thắng và chắn ngang vỉa hè khiến những người đi bộ qua đây chỉ còn cách là đi xuống lòng đường.
Hai chiếc cột phía bên ngoài dùng để nâng đỡ mặt tiền cũng gây ảnh hưởng không ít cho người tham gia giao thông vào những giờ cao điểm.
Mặt tiền phía trước của ngôi nhà số 27 Tôn Đức Thắng (Hà Nội)
Một số người dân sống ở gần đó cho biết tuy ngôi nhà xây dựng một cách “ngang trái” như vậy nhưng lại không hề trái pháp luật. Ngược lại, ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND quận Đống Đa. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về việc thống nhất giải phóng đền bù trong quá trình mở rộng tuyến đường Tôn Đức Thắng nên ngôi nhà nằm chềnh ềnh trên vỉa hè như vậy.
Để làm rõ về sự tồn tại kỳ lạ của ngôi nhà này, phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với đại diện chính quyền phường Quốc Tử Giám. Theo anh Trần Anh Nam, cán bộ địa chính phường Quốc Tử Giám, thì: Ngôi nhà số 27 Tôn Đức Thắng đã có từ thời Pháp thuộc. Nhà được xây bằng gạch, 2 tầng trên diện tích đất 167m2. Chủ sở hữu khi đó là vợ chồng cụ Lê Văn Chinh và Triệu Thị Cảnh.
Do con, cháu đông nên khi 2 cụ mất đi, ngôi nhà và diện tích đất được phân chia cho 27 người con, cháu. Cụ thể: ba bà Trần Thị Chính, Lê Thị nga và Lê Thị Bích được sở hữu và sử dụng 1/2 ngôi nhà số 27 Tôn Đức Thắng. Phần đất này nằm ở phía tay trái đường Tôn Đức Thắng nhìn vào có diện tích 83,5m2 và toàn bộ các công trình xây dựng, tài sản, cây cối… trên diện tích này.
24 người còn lại được thừa hưởng và sử dụng 1/2 diện tích còn lại của ngôi nhà. Phần đất này nằm ở phía bên tay phải đường Tôn Đức Thắng nhìn vào và cũng có diện tích 83,5m2.
Sự phân chia di sản thừa kế quyền sở hữu và sử dụng ngôi nhà số 27 Tôn Đức Thắng đã các bên thỏa thuận và được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ký quyết định công nhận sự thỏa thuận vào ngày 31.8.2009.
Do có quá nhiều người thuộc chủ sở hữu của ngôi nhà số 27 nên khi thành phố Hà Nội có quyết định mở rộng tuyến đường Tôn Đức Thắng, các Đồng sở hữu ngôi nhà đã không thống nhất được trong phương án đền bù dẫn đến tình trạng khi giải phóng mặt bằng, một phần của ngôi nhà vẫn chiếm trọn vỉa hè sát với mép của tuyến đường Tôn Đức Thắng mới.
“Theo bản đồ địa chính của phường, ngôi nhà này không chỉ nằm trọn trên vỉa hè mà còn có khoảng 50cm đất nằm dưới lòng đường Tôn Đức Thắng hiện tại”, anh Nam cho biết thêm.
Năm 2012, ông Phạm Quốc Hùng (số 24 phố Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) có mua lại một nửa phần đất ngôi nhà với diện tích là 83,5m2 trong đó có 11,2m2 diện tích mặt tiền đang nằm trên vỉa hè hiện tại. Toàn bộ diện tích đất này đã được UBND quận Đống Đa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên của ông Hùng.
Nhận thấy sự bất tiện vì phần đất nhà mình đang nằm trên vỉa hè của người đi bộ, ông Hùng cũng có làm đơn đề nghị lên các cấp có thẩm quyền có phương án thu hồi và đền bù cho gia đình theo giá quy định của nhà nước.
Ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám cho hay: “Hiện UBND phường cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND quận báo cáo với UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo lên phương án thu hồi phần đất trên vỉa hè để tạo điều kiện đi lại cho nhân dân được thuận lợi và đền bù theo đơn gián nhà nước cho chủ sở hữu phần nhà đất trên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ trên xuống”.