Theo lời giới thiệu của anh Thành (người dẫn đường cho chúng tôi), thì thân nhân của rừng mộ đá kia thuộc dòng họ Đinh Công, mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.
Nhắc đến dòng họ Đinh Công, người ta nghĩ ngay đến chế độ Lang đạo, một chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, nhưng tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, nơi có đông đồng bào Mường sinh sống từ thời Hùng Vương.
Thời gian đã xóa nhòa các cổ tự khắc trên đá nhưng gia phả về dòng họ Đinh vẫn còn lưu giữ nguyên trạng
"Mặc dù là dòng tộc duy trì chế độ Lang đạo, thế nhưng dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng lại là một dòng họ có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp triều đình trong việc cai quản dân chúng", anh Thành kể lại.
Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII dòng họ Đinh là dòng họ có thế lực mạnh nhất cai quản mường Động. Hiện nay, dòng họ Đinh ở mường Động còn lưu giữ được quyển gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán do ông Đinh Công Bàng phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724).
Theo gia phả và truyền thuyết thì từ thời xa xưa, người khai lập ra dòng họ Đinh vốn là Đinh Như Lệnh, làm thổ tù xã Vĩnh Đồng, ông sinh được hai con trai: Trưởng nam là Đinh Quý Khiêm, thứ nam là Đinh Văn Hương.
Đinh Quý Khiêm sinh được một con trai là Đinh Như Luật, kế nghiệp làm thổ tù cai quản dân địa phương, nhân dân được trông dựa, đều no đủ, bình an.
Đinh Như Luật lấy vợ sinh được một con trai là Đinh Nhân Phúc. Đinh Nhân Phúc sinh được một người con trai là Đinh Văn Thịnh và một con gái là Đinh Thị Đỏ.
Đinh Văn Thịnh kế nghiệp làm thổ tù, khi chết không có con thừa tự. Người con gái là Đinh Thị Đỏ lấy chồng là phu đạo ở thôn Tý, xã Vĩnh Đồng sinh được Đinh Văn Thiệu.
Đinh Văn Thiệu vốn thông minh được nhân dân yêu mến, vẫn được kế nghiệp họ ngoại (Đinh Nhân Phúc) làm thổ tù cai quản dân địa phương, lấy vợ là Hoàng Thị Mỗ sinh được Đinh Văn Khương.
Đinh Văn Khương không may chết sớm. bười thiếp của Đinh Văn Thiệu là Bùi Thị Thời người thôn Dầm sinh được một người con trai là Đinh Văn Cương.
Lớn lên trong sự may mắn và đùm bọc của người mẹ đẻ đến lúc trưởng thành Đinh Văn Cương lấy 6 vợ vừa thê, vừa thiếp. Chính thất là Bạch Thị Thừa sinh được Đinh Công Kỷ và Đinh Công Kế, các người vợ và thiếp khác sinh được cả thảy 7 nam, 10 nữ.
Đinh Công Kỷ kế nghiệp làm thổ tù, cai quản dân địa phương được tập phong Đề đốc Uy lộc hầu, đời đời làm phiên thần... Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê trung hưng, chống giặc và xây dựng triều chính, ông là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm.
Vì có công với nước nên bố ông là Đinh Văn Cương được phong tước Quận Công. Do vậy dòng họ Đinh Công xuất phát từ Đinh Công Kỷ.
Trải mấy trăm năm, cột đá ghi thông tin về ông Đinh Công Kỷ vẫn còn sắc nét
Đặc biệt do có công với triều Lê nên khi dựng mộ ông nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hoá ra làm cột mồ.
Tục chia của cho người chết ở khu mộ đá quan Mường
Các hiện vật cho người chết được làm bằng bạc tuy ít ỏi, nhưng loại hình khá phong phú, chủ yếu là đồ trang sức, phản ánh yếu tố thẩm mỹ cao về đời sống vật chất, tinh thần của tầng lớp giàu có người Mường.
Xưa, người Mường có phong tục chia của cho người chết. Họ quan niệm rằng, người chết khi về mường Ma cũng có cuộc sống như khi còn sống. Gia đình nào càng khá giả thì hiện vật chia theo càng nhiều, càng phong phú.
Chính điều này đã thu hút lòng tham của những kẻ đào bới trộm mộ cổ tìm cổ vật vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều hiện vật quý bị mất đi, hoặc bị vỡ nát. Các khu mộ cổ tan hoang, tiêu điều.
Trước đây, người họ Đinh qua đời, của cải được chôn cùng quan tài
Tại khu mộ quan Mường với hàng trăm ngôi mộ lại là mộ của nhà lang và đặc biệt trong đó có mộ của Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ, chắc chắn số lượng hiện vật được chôn theo là không nhỏ. Nhưng do tệ nạn đào bới trộm cổ vật, các ngôi mộ hầu như bị xới tung, chắc chắn số lượng hiện vật bị mất đi là khá lớn.
Hiện vật thu được trong các nhóm mộ vô cùng phong phú, nhiều loại hình được chế tạo từ nhiều chất liệu. Đặc biệt đồ gốm sứ mang nhiều dáng vẻ đặc trưng kỹ thuật của nhiều thời đại khác nhau.
Ở đây bắt gặp cả hiện vật thời Lý, thời Trần cả đồ gốm Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng nổi bật hơn cả là gốm sứ thời Lê với nhiều loại hình, từ những chiếc ấm men rạn hoa lam, đến nhiều chiếc bát, đĩa với kỹ thuật, phong cách trang trí khoẻ khoắn, bay bướm của thế kỷ thứ XVII, đã tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập gốm sứ quý đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc.
Bên cạnh đồ gốm sứ hầu hết các mộ đều chôn theo tiền đồng, mộ ít nhất 6 đồng, mộ nhiều 87 đồng. Tiền được chôn trong các mộ tương tự giống nhau được chế tác vào những thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ XIII.
Sự có mặt của nhiều loại tiền đồng với số lượng lớn, ngoài ý nghĩa riêng về phong tục còn phần nào phản ánh hoạt động kinh tế trong xã hội Mường.
Theo diễn biến của lịch sử, sự chìm nổi của dòng họ Đinh, khu mộ quan Mường chỉ vang bóng một thời - trở thành Thánh địa của dòng họ Đinh khi quyền lực vững mạnh ở thế kỷ thứ XVII sang đến thế kỷ sau.
Khu mộ vẫn tiếp tục nhận thêm những chủ nhân mới về Mường ma, nhưng với vai trò của nó đã dần mờ nhạt đi vào huyền ức của đời sau cùng với nhiều truyền thuyết chưa khám phá ra hết.