Trước khi đến được gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) phải vượt qua dốc cao thôn 6, ôm cua cánh chỏ.
Hai bên đường là xóm nhà Gành Đá Đĩa bình yên với những ngôi nhà “tạo dáng” bằng đá.
Đá xếp chồng lên nhau làm hàng rào ngăn cách lối đi, làm móng sân, bật thềm. Có nhiều gia đình “tài sản chung” của họ là…đá!
Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Hồng và ông Trần Văn Thanh nhô lên cao cạnh đường ở lưng chừng dốc thôn 6. Hai ngôi nhà này có “tài sản chung” là hàng rào đá.
Trước nhà, đá được xếp chồng cao gần 3m nối dài từ nhà bà Hồng đến nhà ông Thanh làm hàng rào ngăn cách giữa con đường và ngôi nhà, đồng thời hàng rào đá này cũng là móng sân vững chắc.
“Đá vận chuyển từ vùng gò đồi, đi làm về vác theo tảng đá, hôm nào sáng trăng thì nai lưng gánh về chất đống trước sân, sau đó mùa mưa rảnh thì cả 2 nhà vần công xếp ngay hàng thẳng lối” - ông Thanh nói.
Đi sâu vào giữa xóm, có những ngôi nhà “thượng” lên cao dựa lưng vào đồi thì lối dẫn vào nhà hoàn toàn bằng đá. Có người nói vui, “hiếu khách nên trải thảm bằng đá”.
Đá còn được người dân ở đây công phu xây cất chuồng bò. Khác với nhà ở chỉ làm móng, hàng rào thì chuồng bò đá xếp thành vách.
Ông Cao Văn Lanh, một người có chuồng bò “quy mô” bằng đá cho hay: Đá xếp 2 lớp dày gần 0,5m nên mùa nắng bên ngoài nắng hầm hập bên trong vẫn mát lạnh; còn mùa mưa, bên ngoài lạnh cóng, bên trong ấm ám.
Vì vậy bò nuôi mau lớn. Người dân ở đây chuyên nuôi bò vỗ béo, lựa mua con bò ốm giơ xương, nuôi vỗ béo giáp năm bò bung đùi nổi ụ bán kiếm trên 10 triệu đồng/con.
Chuồng bò của gia đình ông Lanh xây cổng bằng đá, máng ăn cho bò cũng bằng đá. Trước chuồng bò, ông lai ra 2 tấm tôn làm bếp nấu.
Ở “ké” không gian mát lạnh nên nơi ấy cũng là nơi hằng ngày bà con xóm làng đến ngồi hàn huyên, bàn tán chuyện đồng áng....
Còn mộ đá ở đây có từ lâu đời, có mộ trên 100 năm. Bà Trần Thị Sang (76 tuổi), cho hay: “Hồi ba tôi còn sống kể, lớp ba tôi hồi mới sinh ra đã thấy mộ đá. Vì vậy “nghiệm ra” thì có những mộ trên 100 năm rồi. Ba tôi khi mất cũng làm mộ đá”.
Đặc biệt mộ đá ở đây xây cất có hình thù giống như cái đĩa.
Cũng theo bà Sang, người dân ở đây sáng ngủ dậy mở mắt nhìn ra biển là thấy gành Đá Đĩa nên đi đâu cũng tự hào là dân Gành Đá Đĩa, còn thôn 6 chẳng qua trên giấy tờ.
Qua hết xóm nhà là đến gành Đá Đĩa, một thắng cảnh hiếm thấy của thiên nhiên ban tặng. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột liền khít nhau.
Các cột đá có tiết diện hình lục giác, hình tròn giống như cái đĩa đựng thức ăn. Do đặc điểm này mới có tên là gành Đá Đĩa.
Theo nghiên cứu lý giải của các nhà khoa học thì Đá Đĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), cách vị trí gành Đá Đĩa hiện nay khoảng 30km theo đường chim bay.
Núi lửa này hoạt động cách nay khoảng gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra sát biển, bất ngờ gặp nước biển lạnh nên lập tức bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ.
Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.
Gành Đá Đĩa có chiều rộng 50m và trải dài hơn 2.000, nửa nổi nửa chìm trong sóng biển, sóng vỗ lên như rửa đĩa làm cho đá một màu đen huyền, có những chỗ in dấu thời gian hằn xuống lốm đốm như tổ ong.
Năm 1998, gành Đá Đĩa được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và bắt đầu được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch.