Khủng hoảng kinh tế, "chợ người" vắng khách cuối năm

Vũ Minh - Vũ Tú |

(Soha.vn) - Các tụ điểm lao động tự do ở nhiều tuyến phố Hà Nội đang trong tình trạng ế ẩm dịp cuối năm do công việc thì ít mà lao động thì nhiều.

Ế ẩm lao động tự do

Các điểm tìm kiếm lao động tự do ở Hà Nội như Dốc Bưởi, Hồ Tùng Mậu, cầu Lủ, Tam Trinh,... vắng bóng lao động tự do vào dịp cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu là do không có việc làm nên nhiều người đã rời Hà Nội về quê, hay kiếm một công việc nào khác để trang trải cuộc sống.

Họ là những người tỉnh lẻ xuất thân từ nghề nông lên thành phố kiếm miếng cơm manh áo. Không mang lại thu nhập cao lại theo mùa vụ nên buộc họ phải bôn ba ở Hà Nội làm lao động tự do, đợi chờ vào sự may mắn.

Tâm sự với chúng tôi trong những ngày giá rét của mùa đông cuối năm, bác Trần Văn Thêm (Vũ Thư, Thái Bình) ngồi chờ việc ở khu vực Cầu Lủ, phường Kim Giang, Hoàng Mai vừa xoa xoa bàn tay cho đỡ lạnh và nói: “Một tuần nay, chỉ thấy 2-3 người đến gọi thuê, có ngày còn chẳng được ai gọi.”.

Nhân công nhiều, ít việc, nhiều người lao động tự do ở khu vực cầu Mai Động, Tam Trinh buồn rầu than công việc không có, cả ngày trông chờ đợi vào may mắn.

Thấy một người dừng xe máy chưa kịp hỏi, một nhóm chừng 10 người chạy, xúm quanh vồn vã hỏi: “Thuê gì? Làm gì anh? Cần bao nhiêu người?”. Vừa nghe xong người khách mô tả công việc cần làm, người đàn ông hơn 40 tuổi nhanh chân ngồi ngay sau xe máy để được “xí” phần trước.

Bác Đặng Văn Lai (Thanh Hóa) lao động tự do ở khu vực Cầu Mai Động (Hoàng Mai)

Bác Đặng Văn Lai (Thanh Hóa) lao động tự do ở khu vực Cầu Mai Động (Hoàng Mai). Chờ cả ngày nhưng vẫn chưa có ai hỏi thuê.

Khẽ thở dài vì “trượt” khách, Bác Đặng Văn Lai, năm nay gần 50 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đã có kinh nghiệm gần 10 năm làm lao động tự do ở thành phố cho biết: “Ai nhanh ra trước thì đi thôi, cũng tùy xem người ta chọn người như thế nào nữa. Người ta thuê việc gì thì làm việc ấy ví dụ bốc vác hàng cho công ty, xí nghiệp, đào móng, dọn sửa nhà…Tùy vào công việc như thế nào, nhưng trung bình từ 100 - 120 nghìn/ buổi”.

Và những nỗi lo đè nặng…

Ít việc kéo theo đó là những khó khăn về kinh tế nơi đất chật người đông. Những lao động tự do chủ yếu là những lao động chính trong gia đình, nên không chỉ lo chỗ ở, cơm ăn hàng ngày mà còn gom góp tiền mỗi tháng gửi về cho gia đình, chu cấp cho con cái học hành.

Ra Hà Nội từ năm 2008, đã hơn 50 tuổi, tóc bác đã lốm đốm bạc nhưng hàng ngày bác vẫn bám trụ làm lao động tự do. Bác kể rằng, nhà chỉ có hơn 3 sào ruộng, không ăn thua nên bác ra Hà Nội làm thuê để nuôi hai con học đại học. 

Trung bình bác Lai thu nhập từ 1 – 1.5 triệu đồng/ tháng. Mấy miếng ăn đều trông chờ chính vào mấy cọc tiền của bác nên mọi chi tiêu trên thành phố của bác đều hạn chế tối đa nhất.

“Chúng tôi thuê chỗ ngủ đêm, 15 nghìn đồng/1 đêm, chứ không dám thuê phòng trọ vì họ bắt đặt cọc nhiều tiền mà chúng tôi thì không có. Còn tiền ăn thì mỗi bữa mất 15 – 20 nghìn đồng, chủ yếu là ăn nhiều cơm cũng tạm đủ”, bác Lai chia sẻ thật thà.

Còn anh Cao Văn Chung gần 40 tuổi (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã ra Hà Nội từ năm 2008. Cả ngày hôm nay anh cũng chưa được ai thuê làm gì. 

Anh Cao Văn Chung nói cả tuần nay không có việc làm.

Anh Cao Văn Chung nói cả tuần nay không có việc làm. Anh tâm sự, không biết mấy hôm nữa không có việc sẽ phải xoay xở như thế nào.

Với nét mặt rầu rầu, anh Chung bày tỏ: “Một tuần chỉ có khoảng 2, 3 hôm được thuê, chỉ đủ tiền ăn, tiền ngủ. Biết là thu nhập thấp nhưng tôi có hai con lớn rồi, ở nhà vợ làm nông nghiệp, không đủ ăn. Dù quá thấp nhưng vì mình không có việc làm thì đành phải làm những việc như thế này, ai thuê gì làm đấy. Còn giờ vào được các doanh nghiệp làm việc thì phải có nhiều loại giấy tờ mà họ cũng yêu cầu cao”.

Vì miếng cơm, manh áo nên khi có người tới thuê họ làm việc, họ cũng phải tranh nhau việc để làm. Việc đã hiếm, tiền không có nhưng nhiều lúc những con người này còn bị những ông “chủ” rởm đời lừa để bóc lột sức lao động.

“Có hôm mình đi bốc vác cho một gia đình, nhưng họ bảo chưa có tiền, hẹn mình qua lấy nhưng mai mình đến thì họ không ở nhà, rồi họ mất hút đi đâu. Một năm mình gặp hai đến ba trường hợp như vậy, cũng phải chịu thôi, vì không biết kêu ai” – anh Chung chia sẻ trong cay đắng.

Trời lạnh nhưng những người lao động tự do tỉnh lẻ vẫn ngồi ngóng và hy vọng có người đến thuê.

Trời lạnh nhưng những người lao động tự do tỉnh lẻ vẫn ngồi ngóng cả ngày và hy vọng có người đến thuê. 

Hàng năm, những người đi làm còn bận bịu và có điều kiện nên thuê những người lao động tự do như bác Lai, bác Thêm, anh Chung... xử lý những vấn đề phát sinh trong gia đình.

Năm nay, kinh tế khủng hoảng, công ty khó khăn, việc làm ít ỏi, hầu hết mọi người đều bảo nhau cố mà tự làm hết mọi việc. Và như vậy, công cuộc mưu sinh của những người lao động tự do cũng trở nên khó khăn hơn… 

Trời rét căm căm, gió thổi từng cơn tê buốt, bác Lai, bác Thêm, anh Chung... vẫn đứng, ngồi ngóng được người gọi thuê.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại