Đầu năm 2011, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (âu thuyền An Hòa) do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam làm chủ đầu tư với số vốn gần 80 tỷ đồng (từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và ngân sách nhà nước) được đưa vào sử dụng.
Công trình có diện tích 40 ha mặt nước, với 70 cột trụ để neo đậu cho hơn 450 phương tiện khai thác thủy hải sản có công suất 300 - 400 CV ở khu vực Núi Thành, Tam Kỳ (Quảng Nam) và một số tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, khu neo đậu vẫn vắng bóng tàu thuyền, ngư dân không dám cho phương tiện vào vì sợ bị hư hỏng.
Các trụ neo nằm san sát nhau, chỉ đủ kích cỡ cho tàu có công suất 300 - 400 CV, những loại tàu có kích cỡ lớn hơn không vào được. Trong khi đó, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến và Tam Hải (huyện Núi Thành) lại có công suất 300 - 650CV.
Con tàu này chỉ neo đậu trong điều kiện thời tiết bình thường, khi có bão sóng to gió lớn sẽ làm các tàu va vào cột neo và tự va đập vào nhau. Độ sâu của âu thuyền chỉ 2,7 - 3,5 m nên các tàu không thể vào tránh bão.
Được xây dựng trên khoảng 40 ha mặt nước nhưng âu thuyền không có đê chắn sóng. Ông Phạm Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, âu thuyền lâu nay không phát huy tác dụng vì khi có gió bão ngư dân không đưa tàu, thuyền vào trú ẩn bởi không thể chắn gió phía trước.
Ngư dân Trần Sanh (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết, 2 tàu cá trị giá cả tỷ đồng của anh từng bị va vào các trụ neo, gây thiệt hại.
"Người dân không đồng tình với thiết kế của khu neo đậu này nên đã nhiều lần phản ánh lên huyện. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, các cơ quan thẩm định vẫn cho rằng âu thuyền đạt chuẩn an toàn", ông Hưng nói.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng thêm hạng mục đê chắn sóng đối với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa.
UBND tỉnh lưu ý cần tính toán giải pháp tiêu thoát lũ, đảm bảo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng