Không xây quá nhiều công trình tại trung tâm chính trị Ba Đình

camnhung |

Các hộ dân trong khu vực Ba Đình sẽ lần lượt được di dời, việc xây dựng ở đây không được dồn nén quá nhiều công trình.

Theo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, các hộ dân trong khu vực này sẽ lần lượt được di dời, việc xây dựng ở đây không được dồn nén quá nhiều công trình.

Đề xuất cải tạo khu vực quảng trường Ba Đình

Theo văn bản thông báo ngày 9/8 của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình phải đáp ứng yêu cầu xây dựng một khu vực có không gian, cảnh quan kiến trúc xứng tầm là trung tâm chính trị quốc gia, mật độ sử dụng phù hợp, không dồn nén quá nhiều các công trình xây dựng.

Quy hoạch chi tiết khu vực này cũng phải đáp ứng yêu cầu hạ tầng đồng bộ, dịch vụ phục vụ đầy đủ.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tính toán quy mô, mật độ xây dựng công trình của các khối cơ quan, trụ sở bảo đảm yêu cầu bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu trung tâm; không di chuyển trụ sở Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu phương án bố trí sử dụng khu đất trụ sở hiện tại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một cách hợp lý; nghiên cứu quy hoạch khu vực cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ thống nhất hài hòa với vườn hoa Bách Thảo, bố trí đầy đủ khu chức năng đáp ứng yêu cầu làm việc, lễ tân, tiếp khách của Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Ba Đình là trung tâm đầu não chính trị của cả nước. Ảnh:Nguyễn Hưng.

Việc di dời các hộ dân trong khu trung tâm chính trị cũng được Phó thủ tướng thống nhất, song, cần nghiên cứu kỹ việc phân kỳ đầu tư và thời gian hợp lý.

Về hệ thống giao thông,Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải xác định rõ tính khả thi của việc mở rộng các tuyến giao thông điều tiết vòng ngoài, như đường Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê... tuyến giao thông ngầm trong khu trung tâm; nghiên cứu mở rộng nút giao thông cuối đường Điện Biên Phủ và đường Độc Lập cùng việc mở rộng đường Độc Lập và giữ lại, cải tạo 4 biệt thự phía nam quảng trường Ba Đình để sử dụng cho mục đích công vụ.

Về hạ tầng kỹ thuật, cần nghiên cứu, tính toán, bố trí các bãi đỗ xe ngầm và nổi, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu chung trước mắt và lâu dài cho các khối cơ quan trong khu trung tâm. Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án xây dựng đường ngầm kết nối với khu 18 Hoàng Diệu sang Trung tâm văn hóa lịch sử Hoàng Thành.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong Quy hoạch chung thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt cũng đã khẳng định Ba Đình là trung tâm chính trị của cả nước. Theo đó, hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình trong khi khu vực Tây Hồ Tây bố trí thêm trụ sở các cơ quan trung ương.

Thủ tướng cũng yêu cầu, rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây; ưu tiên vị trí tại khu vực tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ...

Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng cũng có đề xuất cải tạo khu vực quảng trường Ba Đình theo hướng mở rộng thêm ô cỏ ở phía nam để tạo sự cân xứng của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trục cảnh quan chính Bắc Sơn, mở rộng đường Độc Lập, dỡ bỏ một số biệt thự...

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại