“Đối với đô thị gần 10 triệu dân như TP.HCM, việc tồn tại xe máy là điều không thể. Tuy nhiên, hiện tại việc cấm xe máy cũng không khả thi”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã trao đổi thẳng thắn khi bàn về mối liên hệ giữa cấu trúc đô thị và gia tăng xe cá nhân tại TP.HCM.
Xe máy sẽ phải tồn tại 10-15 năm nữa
TS.Dư Phước Tân – Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị TP.HCM, cho hay, hiện thành phố có quá nhiều đường hẻm, trong đó đa số các hẻm hẹp về bề rộng và chỉ có thể sử dụng xe máy mới di chuyển được.
Kẹt xe tại đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Trong khi đó, ông Võ Kim Cương, nguyên phó trưởng Hội kiến trúc sư thành phố, phân tích: thực tế hiện nay tại TP.HCM, đặc biệt trong khu vực nội thành, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công ty… (nơi chiếm số động dân số của thành phố) lại phân bố và hoạt động riêng lẻ, rải rác. Điều này không phù hợp với việc phát triển xe vận tải hành khách công cộng mà chỉ có thể di chuyển bằng xe máy là phù hợp nhất trong việc phục vụ đi lại cho các nhóm đối tượng trên.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Viện nghiên cứu phát triển thành phố cho rằng về mọi mặt vai trò xe máy đều vượt trội so với xe ô tô và xe bus khi so với đặc điểm cấu trúc đô thị nước ta cũng như thói quen di chuyển của người dân nước ta trước tới nay. Có thể nói, xe máy được xem như đôi chân nối dài trong việc di chuyển của người dân, ông Nguyên nêu lên quan điểm.
Xe máy sẽ còn tồn tại ít nhất trong khoảng 10 – 15 năm nữa và chỉ giảm khi những phương tiện thay thế khác được đa số người dân chấp nhận. Do đó, giải pháp lúc này là làm sao khơi thông dòng chảy xe máy chứ không phải hạn chế hay cấm đoán.
Bài toán quy hoạch cực kỳ nan giải
TS.Võ Kim Cương, cho rằng, việc đưa ra các quyết sách về giao thông cần phải bám sát quy hoạch phát triển đô thị. Không phải quản lí chung chung mà phải nhìn vào tầng lớp người có thu nhập thấp.
Hạn chế xe ô tô cá nhân vẫn là giải pháp được nhiều ý kiến đồng tình.
Bàn về bài toán quy hoạch, ông Nguyễn Hữu Nguyên, nhận định, việc lượng xe cá nhân tăng như hiện nay đã vô tình phá vỡ cấu trúc đô thị.
Nhưng mặt khác, phải thừa nhận rằng, quy hoạch không phù hợp cũng là nguyên nhân chính gây kẹt đường và phá vỡ không gian đô thị. Đơn cử, nhiều siêu thị, bệnh viện hay trường học, lại được xây lên ngay ngã ba, ngã tư giao nhau của các tuyến đường, điều này không phù hợp chút nào.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các nhà cao ốc trong nội thành lại được dựng lên ngày một nhiều và khi đi vào hoạt động sẽ có hàng chục ngàn con người làm việc trong đó. Nếu đến giờ tan tầm, lượng người đổ ra sẽ quá tải và gây nhiều hệ luy không tốt cả về quy hoạch lẫn việc đi lại của người dân.
Theo Zing.vn/BĐVN